Hà Nội (TTXVN 17/09/2023)

Vào hồi 17 giờ 39 phút giờ địa phương (tức 21 giờ 39 phút ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam), tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Trong đó, có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp.

Đó là:

1. Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới năm 1993

Hoàng thành Huế có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt, trong đó cửa chính (ở phía Nam) là Ngọ Môn ( trong ảnh ). Ảnh: Thế Duyệt-TTXVN

Đây là di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

2. Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, 2000

Ánh nắng vàng trùm lên những ngọn núi sừng sững giữa biển tạo nên cảnh tượng hùng vĩ, choáng ngợp. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN

Năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000.

3. Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) - Di sản văn hóa thế giới năm 1999
Mặc dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.

4. Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới năm 1999
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Hội An vẫn giữ được gần như nguyên trạng với 1.360 di tích.

5. Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003, 2015

Phong cảnh Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bên dòng sông Chày thơ mộng. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất, giúp các nhà nghiên cứu hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực.

6. Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới năm 2010
Các giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO ghi nhận là chiều dài lịch sử, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú.

7. Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Di sản văn hóa thế giới năm 2011

Di tích Thành nhà Hồ - Di sản Văn hóa Thế giới, được UNESCO công nhận năm 2011,

Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.

8. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) - Di sản hỗn hợp năm 2014
Hội tụ đầy đủ tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ, địa chất với những giá trị nổi bật toàn cầu, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO công nhận.

9. Quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) - Di sản thiên nhiên thế giới 2023
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động.
Với Vịnh Hạ Long, đây là lần thứ 3 được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.  Trước đó, năm 1994, vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000./.

Phương Anh