Từ đó, Việt Nam và thế giới biết đến cuốn Nhật ký của Anh hùng, Liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm với muôn vàn khốc liệt của chiến tranh, sự yêu thương, tình người trong lửa đạn, lý tưởng cách mạng cao đẹp của người con gái Việt Nam trong thiếu thốn, gian khổ và hiểm nguy. Cũng từ đó, cuốn Nhật ký truyền cảm hứng và lý tưởng cách mạng tới đông đảo thanh niên Việt Nam thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong không khí cả nước kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN, thông qua người thân của Anh hùng, Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, đã may mắn được tiếp cận với những trang hồi ký của ông Doãn Ngọc Thao - người cậu ruột cùng tuổi và cũng là người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ của Đặng Thùy Trâm. Những trang viết chân thực, đầy cảm xúc của ông Doãn Ngọc Thao đã ghi lại những kỷ niệm đẹp giữa ông và bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Xin lược trích, giới thiệu cùng bạn đọc.
Tấm ảnh bác sỹ Đặng Thùy Trâm tặng trung tá Lưu Công Hào (quê Hải Phòng) trong một lần làm nhiệm vụ tháng 2/1968, khi ông bị thương và được bác sỹ Trâm cứu chữa. Ông đã luôn mang bức ảnh đó theo mình cho đến tận ngày nay và coi nó như một kỷ vật của cuộc đời. Ảnh tư liệu: Thế Duyệt/TTXVN
Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 tại Huế; hy sinh ngày 22/6/1970 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi; được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006.
Trong gia đình, ông Doãn Ngọc Thao và Anh hùng, Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm là cậu cháu nhưng cùng tuổi, cùng đi học với nhau từ nhỏ đến lớn. Bởi vậy, những ký ức của ông Doãn Ngọc Thao về Anh hùng, Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm là vô cùng quý giá và riêng biệt. Họ đã cùng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn thửa nhỏ, cũng như khát vọng cuộc sống sau này. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, họ đã cùng nhau khám phá trong học tập, nuôi dưỡng kiến thức, văn hóa..., rồi cả hai cùng lớn lên với lý tưởng cách mạng, hoài bão chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, xây dựng Tổ quốc. Tình cảm tiếc thương xen lẫn tự hào về cô cháu gái đã thôi thúc ông Doãn Ngọc Thao ghi lại những dòng hồi ký đầy xúc động về quãng thời gian gắn bó giữa hai cậu cháu, hai người bạn nhỏ thân thiết.
Phần 1: Nhớ Thùy - Người bạn ấu thơ
“Tôi và Thùy Trâm hồi nhỏ khá gần gũi nhau. Ba má tôi người Đà Nẵng nhưng như những công chức thời đó, ba má tôi được phân công công tác đi các tỉnh khác, nên các anh chị lớn của tôi sinh ra ở nhiều nơi trên mảnh đất miền Trung. Đến khi tính một địa điểm để có thể định cư lâu dài, ba má tôi đã chọn thị xã Thanh Hóa, nơi hai anh trên tôi và tôi đã ra đời. Tại đây ba má tôi mua một ấp thuộc vùng núi huyện Nông Cống, cách tỉnh lị khoảng 40 km. Việc "tậu" ấp thời đó như "mốt" của giới công chức ngoài bốn mươi, vừa để canh tác tăng thu nhập vừa làm chỗ nghỉ ngơi trong những ngày lễ tết, cuối cùng là nơi để vui thú điền viên khi về hưu.
Vào những năm 1944-1945, khi Chiến tranh Thế giới thứ II đang đi vào hồi kết, ở Việt Nam quân Nhật bị quân Đồng Minh, chủ yếu là Mỹ, không kích dữ dội. Lúc đó ba má tôi tạm đưa gia đình về ấp sinh sống và cái ấp đã trở thành hậu phương vững chắc và an toàn trong những ngày bom đạn. Ngỡ rằng cuộc chiến qua đi mọi người lại trở về thành phố, nhưng các sự kiện lớn tiếp theo trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và Kháng chiến bùng nổ đã khiến gia đình tôi gắn bó với cái ấp thân thiết mãi nhiều năm về sau.
Anh rể Đặng Ngọc Khuê và chị Doãn Ngọc Trâm tức ba má Thùy Trâm lúc đó cũng theo gia đình về ấp. Vậy là tôi và Thùy Trâm (tên thân thương gọi là Thùy), hai đứa bé nhỏ nhất trong gia đình, có dịp được biết cái ấp xa xôi vốn trước đây chỉ được nghe người lớn nói đến. Là hai cậu cháu nhưng tôi và Thùy cùng tuổi, chỉ hơn kém nhau về tháng, bởi tôi là em út còn chị tôi là chị cả, lấy chồng sớm và Thùy là con đầu lòng của chị. Giữa hai chúng tôi ngoài hai từ xưng hô với nhau “cậu” và “Thùy” chẳng ai quan tâm đến cái ngôi thứ ấy mà suốt ngày cùng tha thẩn chơi với nhau như hai đứa bạn bè.
Ấp của ba má tôi nằm trên một quả đồi độc lập, đứng nhìn ra xung quanh phong cảnh thật hữu tình. Phía trái ấp hướng biển, nơi một ngọn núi hùng vĩ có tên gọi là núi Đông án ngữ. Hai đứa chúng tôi thường tha thẩn trên các bãi cỏ xanh mướt tìm bắt cào cào, châu chấu, cũng có cả những con cánh cam xanh biếc, những con bọ rùa cánh đỏ điểm những chấm đen tròn.
Lớn lên chút nữa, tôi và Thùy theo anh Liệu học trên chúng tôi hai lớp, đi học ở trường xã cách đó khoảng 2 km. Lúc này bọn tôi làm thành bộ ba, ba đứa trẻ "thành phố", thực ra đã hết chất thành phố nhưng cũng chưa hòa nhập hẳn với dân địa phương, ngơ ngác giữa lũ trẻ con nông thôn tinh nghịch ma mãnh. Tuy vậy, chúng cũng nể bộ ba bọn tôi không phải vì chất thành phố mà vì ba tôi lúc đó là hiệu trưởng của trường cấp hai này. Sau khi về Mã Đền, ba tôi - một nhà giáo tản cư, đã có sáng kiến đề nghị với chính quyền xã lập ra ngôi trường, đến nay nó vẫn tồn tại với truyền thống hơn nửa thế kỷ.
Thầy giáo đầu tiên của chúng tôi là thầy Thiềng - nhà giáo hiền từ và yêu trẻ. Ngay từ cấp một Thùy đã tỏ ra là một học sinh giỏi và mạnh dạn. Thầy Thiềng quý bọn tôi phần vì quý ba tôi, cũng là ông ngoại Thùy - một hiệu trưởng khiêm nhường, tận tụy với công việc, phần vì chúng tôi lễ phép và chăm học. Thầy Thiềng đặc biệt chú ý đến Thùy, thường khen Thùy học môn Tập làm văn rất giỏi.
Tuy sống ở một vùng xa heo hút, nhưng đời sống tinh thần của bọn tôi không đến nỗi nghèo nàn. Gian lớn nhà tôi có treo nhiều nhạc cụ và mỗi buổi chiều mát mẻ các anh tôi thường đem đàn sáo ra sân chơi nhạc. Nhờ vậy chúng tôi được nghe giai điệu êm dịu của những bài hát mà nay người ta gọi là nhạc tiền chiến. Trong gian lớn còn một giá sách, ngoại trừ sách ra chúng tôi được chơi đống báo và tạp chí cũ bằng tiếng Pháp khá đồ sộ xếp ở tầng dưới với nhiều tranh ảnh màu sắc rực rỡ. Bọn tôi thường lấy kéo cắt các bức tranh đó rồi dán lên khắp nhà để ngắm nghía, trò này bị các anh tôi trêu là “mọi rợ, lòe loẹt” nhưng với chúng tôi đó là cả một thế giới huyền ảo ngắm nhìn không bao giờ chán mắt.
Bọn tôi cũng thích kể chuyện cho nhau nghe, chuyện cổ tích, thần thoại được người lớn kể trước khi đi ngủ. Riêng các truyện kinh điển phương Tây thì người kể chuyện là Thùy, tôi chỉ đóng vai người nghe bởi chị tôi - bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của Thùy biết nhiều chuyện trong văn học Pháp nên thường kể những truyện này cho Thùy nghe. Chuyện Không gia đình được gọi đơn giản là chuyện "Thằng Rề Mi", Ba chàng Ngự lâm pháo thủ được gọi là "Chuyện anh Đactanhăng", Những người khốn khổ là "Chuyện ông Giăng Vangiăng” do Thùy kể lại khiến tôi nghe không muốn dứt.
... Khi hòa bình lập lại, gia đình tôi chuyển về Hà Nội thì sách xuất bản đã nhiều lắm. Tủ sách của chúng tôi được bổ sung thêm đáng kể, tuy nhiên phải nói tôi được đọc nhiều là nhờ công Thùy đi mượn từ nhóm bạn bè yêu thích sách. Lúc này Thùy đã có rất nhiều bạn bè, sinh hoạt văn thơ tự do hoặc dưới hình thức nhóm văn, câu lạc bộ.
Cuộc sống của tôi và Thùy là vậy, nhưng cuộc sống vốn không phẳng lặng và mọi dự định ban đầu không phải lúc nào cũng được thực hiện. Chưa học hết lớp 10 - lớp cuối của phổ thông thời đó, tôi đã vào quân đội, học bổ túc văn hóa cho hết phổ thông rồi đi học nước ngoài. Tôi được phân công học ở Trường Kỹ thuật Xe Tăng của Liên Xô, ít lâu sau cũng được tin Thùy vào Đại học Y Hà Nội. Về nước nhân dịp nghỉ hè gặp lại nhau hai đứa trêu nhau.
- Thế là cậu không cưỡi ngựa đi trên cao nguyên tìm quặng mà cưỡi ngựa sắt rong ruổi trên thảo nguyên Ukraine rồi à?
- Ừ, ai dám chắc chiến tranh sẽ không tái diễn. Ở Miền Nam quân Ngụy được người Mỹ trang bị đến "tận răng", bộ đội mình cũng phải hiện đại hóa chứ - Tôi nói như một nhà hùng biện đang phát biểu trong cuộc thi quảng bá nghề nghiệp - Thế Thùy cũng từ bỏ mục tiêu rồi à?
- Thùy không mơ mộng nữa. Nghề y là nghề truyền thống của gia đình, ngoài việc học ở trường Thùy sẽ được ba má giúp đỡ nhiều kinh nghiệm. Dù thời bình hay thời chiến xã hội vẫn cần người thầy thuốc. Ngừng một chút như để suy tư, Thùy nói tiếp, dù sao Thùy vẫn không xa rời văn học. Ra trường, nắm vững chuyên môn rồi, có thể Thùy sẽ thử viết văn, viết báo như một nghề tay trái, chẳng phải để kiếm sống mà như thưởng thức một thú vui. Mà thôi, chuyện nghề nghiệp thế là xong, bây giờ cậu kể chút gì về Ukraine đi, đã quen được cô nào chưa? Thùy vốn yêu các giai điệu êm đềm của xứ sở này cùng với giọng hát mê hồn của thanh niên Tiểu Nga lắm.
Phải nói thêm, từ thời học sinh Thùy rất yêu âm nhạc và thích hát. Thùy hát hay, được nhiều giải thưởng qua các cuộc thi văn nghệ quần chúng của học sinh, sinh viên, có thời gian còn được mời tham gia vào "Tốp Ca nhạc" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thùy yêu các bài êm dịu sáng tác thời đó, còn nhạc nước ngoài Thùy rất mê bài Tricôza - Cô gái chuồn chuồn nhí nhảnh được ca sĩ Ngọc Dậu hát thành công nhất. Tôi thích được nghe Thùy hát các bài hát ngoại như Trái tim trong ba lô (Ba Lan), Rừng xanh (Hungary), Người chiến sĩ biên thùy (Romania), Hoa Calina, Cachiusa, Xibêri nở hoa, Cây Thùy dương (Cây Thanh trà Ural), Bình minh trên nông trường (nguyên văn là Trên núi đồi Mãn Châu), Xulicô... Tôi cũng chép lời Nga bài Đôi Bờ cho Thùy... Chắc hẳn vì có những tâm sự đồng cảm (lúc đó Thùy đã yêu M và M đang chiến đấu ở phương Nam xa xôi) nên Thùy rất hay hát bài này.
Ra trường, về nước, tôi đóng quân ở chân Tam Đảo. Không khí chiến tranh đang đến gần, tôi rất ít dịp được về thăm gia đình ở Hà Nội, ít gặp Thùy, lúc này đang học những năm cuối cùng của Trường Đại học Y. Rồi tôi được biết Thùy có tên trong danh sách các sinh viên tốt nghiệp đi B. Tôi không ngạc nhiên vì lúc đó phong trào thanh niên xung phong đi chiến trường cao lắm, mà tính Thùy thì luôn sôi nổi, luôn mơ ước được đóng góp sức trẻ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi cũng biết ngoài ra Thùy còn có lý do riêng. Thùy đã có người yêu và chính tay tôi đã trao lại cho Thùy những lá thư đầu tiên của anh khi chúng tôi học những năm cuối cấp ba ở Trường Chu Văn An. Thùy tin cậy tôi và nhà tôi ở là địa chỉ thích hợp cho những lá thư tình yêu đến ngày tôi đi bộ đội. Bây giờ anh ấy, một thanh niên đẹp trai, tài hoa và dũng cảm, đang chiến đấu trong Nam.