Có lẽ thời ấy, mỗi người lính “Bộ đội Cụ Hồ” khi ra chiến trận cũng giống như Anh hùng, Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, chỉ nhắn gửi những điều tốt đẹp, vui tươi về cho gia đình, còn phần khốc liệt, đau thương họ đều giữ kín cho riêng mình.
Chân dung nữ bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm những ngày ác liệt tại Quảng Ngãi trong phòng trưng bày của Khu di tích Đặng Thùy Trâm nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo Ảnh Việt Nam
Ông Doãn Ngọc Thao viết trong hồi ký: “Ngày Thùy Trâm đi B tôi đang ở đơn vị, chỉ nhận được một bức điện tín ngắn “Thùy đi. Chào chiến thắng”. Rồi những bức thư đầu tiên Thùy gửi về gia đình, Thùy kể đường đi khá gian nan. Trong đoàn không ít người Hà Nội, lại có một số bạn từ bé được gửi đi học ở Nga và Đông Âu mới trở về, vốn quen với cuộc sống tiện nghi, chưa biết thế nào là rừng nhiệt đới và bom đạn. Vậy mà vì nhiệm vụ thiêng liêng, tất cả đều mỉm cười, động viên nhau dấn bước. Những bức thư tiếp theo viết từ Quảng Ngãi cũng có bom đạn nhưng lúc bấy giờ cả nước có bom đạn, mà thư Thùy thì chỉ kể qua loa và dặn dò các em giúp đỡ bố mẹ, động viên gia đình vượt qua những khó khăn thời chiến, hẹn ngày sum họp. Rồi một số chiến lợi phẩm kèm theo thư được gửi ra, những cái bút bi hiếm hoi thời đó, những chiếc màn nilon ngụy trang xanh lá cây của lính Mỹ, báo hiệu một cuộc sống không đến nỗi quá thiếu thốn trong “chiến khu” làm tạm yên lòng mọi người. Cũng đôi lần Thùy tâm sự với anh chị tôi chuyện buồn trong tình cảm riêng tư nhưng tuyệt nhiên không có những dòng viết về sự khốc liệt của chiến tranh như trong nhật ký sau này tôi được đọc, có lẽ Thùy không muốn gia đình lo lắng về mình".
Nhận tin Thùy Trâm mất, ông Doãn Ngọc Thao cùng các thành viên trong gia đình choáng váng, buồn đau. Nhưng Thùy Trâm đã không bị lãng quên trong trí nhớ của mọi người, kể cả những người xa lạ. Trong hồi ký của mình, ông Doãn Ngọc Thao viết: "Hai mươi năm sau chiến tranh, chuyện kể về cô bác sĩ người Hà Nội được anh Tư Thắng, người thuyền trưởng anh hùng trong cuốn phim tư liệu "Đường mòn trên Biển Đông”, kịch bản Nguyên Ngọc, nhắc lại với tấm lòng khâm phục, biết ơn. Rồi nhà báo Vinh Thu viết bài về sự hy sinh của một Xulicô Việt Nam sau khi anh xem phim đó. Chín năm nữa trôi qua, các chị Trầm Hương, Kim Dung viết bài kiếm tìm gia đình Đặng Thùy Trâm, một nữ bác sĩ - liệt sĩ trẻ có tên trong Bảo tàng Phụ nữ miền Trung. Cuộc tìm đã không vô vọng, sau bài báo, chị Trầm Hương và Kim Dung được đền đáp bằng hàng chục cú điện thoại cung cấp địa chỉ gia đình cùng nhiều chi tiết về người bác sĩ trẻ hy sinh trên đất lửa Quảng Ngãi. Từ bên kia đại dương, cuộc kiếm tìm gia đình Đặng Thùy Trâm của hai anh em cựu chiến binh Mỹ Frederic và Robert Whitehurst đã đi tới đoạn kết có hậu. Như một sự trùng hợp linh thiêng, chiếc đĩa CD mang toàn bộ nội dung hai cuốn nhật ký Thùy Trâm đến với gia đình đúng chiều ngày 28/4/2005, chẵn 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc.
Cảm phục Thùy với tấm lòng nhân hậu, sự thông cảm nỗi đau của thương binh, sự tận tâm hết lòng cứu chữa họ. Cảm phục các thương binh đã nén đau mỉm cười động viên bác sĩ và y tá. Những hình ảnh đẹp biết bao trong cái trạm xá đơn sơ thiếu thuốc men giữa cánh rừng đầy hố bom và trái pháo ấy! Cảm phục một tập thể hết sức thương yêu và thông cảm nhau bởi hầu như gia đình mỗi người đều có đau thương tang tóc. Những con người cách mạng chỉ kịp gần gũi nhau vài ngày, thậm chí vài giờ trong các cuộc tập huấn, hội nghị hay hội ý ngắn ngủi để rồi lại quyến luyến chia tay. Những cuộc chia tay không biết lúc nào gặp lại bởi họ biết có bao hiểm nguy đang rình rập trên mọi nẻo đường.
Mỹ - Ngụy dã man đến mức khó tưởng tượng nổi. Chúng nghĩ gì khi bắn hạ đối phương rồi còn dùng lưỡi lê đâm nát người họ, kể cả những nhân viên y tế. Chiến tranh thì phải tiêu diệt đối phương, nhưng trên thế giới này hiếm khi người ta tìm đánh bệnh viện, thương binh và nhân viên y tế như ở Đức Phổ và chắc không chỉ riêng Đức Phổ. Bệnh xá bị pháo bắn, bom rơi và trực thăng vũ trang quần phải chăng vì địch nhầm lẫn đó là ban tham mưu của một đơn vị quân đội cấp trung đoàn? Không, chúng đánh có chủ đích vì có kẻ chỉ điểm, truy đánh đến cùng một bệnh xá xác xơ khi chỉ còn mấy thương binh nặng và vài cán bộ y tế nữ!!! Bằng hàng tấn bom, rốc két và những chiếc HU-1A hiện đại!!!
Nhưng chính những hành động trên đã khơi dậy lòng căm thù giặc mãnh liệt, ý chí quyết chiến tiêu diệt quân xâm lược, ý chí quyết thắng cho dù đó là một cuộc chiến không cân sức… Cuộc kháng chiến của nhân dân ta là bất khả chiến bại vì rất đơn giản, đó là ý nguyện độc lập và thống nhất của một dân tộc vốn có truyền thống yêu nước và biết chiến đấu bảo vệ đất nước từ hàng nghìn năm nay, nhưng thật không đơn giản khi giải thích cho thế giới hiểu. Từ lâu bộ máy tuyên truyền phương Tây vẫn ra sức "tung" ra những thông tin sai lệch về cuộc chiến tranh này, nhưng chính Nhật ký Thùy Trâm như một bằng chứng của lịch sử để người ta tìm đến ngọn nguồn. Nhật ký Thùy Trâm, khúc nhạc trong thiên anh hùng ca bi tráng của chiến tranh Việt Nam, những tư liệu sống động trong bản cáo trạng hùng hồn về tội ác của nước Mỹ, làm dậy sóng trong lòng người đọc. Đọc nhật ký Thùy Trâm, những người Mỹ có lương tri đã hết sức cảm phục tấm lòng của người thầy thuốc, những suy nghĩ và việc làm đầy tình người của cô gái Việt Nam và lên án hành động của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến".
Những trang nhật ký Xuân Canh Tuất (1970) được trưng bày tại phòng trưng bày Khu di tích Đặng Thùy Trâm nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Luân/Báo Ảnh Việt Nam
Lần giở lại những trang cuối trong cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, ông Doãn Ngọc Thao càng thêm đau xót. Bởi qua mỗi dòng nhật ký mà Thùy để lại, ông thấu hiểu từng suy nghĩ, từng cảm xúc của cô cháu gái cùng tuổi.
"Ngày 2/6/1970: Địch đánh bom trúng bệnh xá, giết chết 5 người, kể cả những thương binh vừa trải qua phẫu thuât... (Thùy viết) “Trong nhà, Thành, đồng chí thương binh vừa cắt ruột hôm qua - lại bị thêm một số vết thương nặng đang hấp hối. Thành nhìn mọi người nói qua hơi thở “Hãy ở lại chiến đấu và học tập trả thù cho tôi. Tôi không sống nữa đâu”. Ôi người đồng chí dũng cảm. Lời dặn của đồng chí là lời thề của chúng tôi, những người còn sống...”.
Ngày 10/6/1970: Nhận được thư mẹ, lá thư ngắn ngủi cố giấu đi nỗi buồn thương và cả nỗi lo âu. Cảm nhận nguy hiểm đang tới gần, Thùy đã viết những lời nhắn nhủ ba má vô cùng cảm động, những lời nhắn nhủ khiến ta rơi lệ: “Mẹ ơi, con hiểu lòng mẹ héo hon đau xót khi con của mẹ còn phải lăn mình trong lửa đạn. Những lá thư của con, của các em gửi đến mẹ chỉ nói lên một phần vạn sự ác liệt mà mẹ đã lo lắng như vậy. Nếu như mẹ biết được con và các em đã trải qua những ngày ác liệt như thế này thì mẹ sẽ nói sao? Mẹ yêu ơi, nếu như con có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi, mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần. Dĩ nhiên lòng con bao giờ cũng ao ước được trở về với ba mẹ, với Miền Bắc ngàn vạn yêu thương”.
Ngày 14/6/70: Một giấc mơ khi không ngủ: “Chủ nhật, trời sau một cơn mưa quang đãng và dịu mát, cây lá xanh rờn. Trong nhà lọ hoa trên bàn vừa thay buổi sáng, những bông hoa mặt trời xinh đẹp ngả bóng xuống màu gỗ bóng loáng trên chiếc radio đặt giữa nhà. Chiếc đĩa hát đang quay một bản nhạc quen thuộc - Dòng Danuyb xanh. Có tiếng cười nói bạn bè đến chơi…”. Thùy vẫn mơ mộng những hình ảnh thân thương ở Hà Nội trong khi trước đó hai ngày máy bay địch quần đảo và thả bom chỉ cách bệnh xá 20 mét. Mọi thứ tan hoang. Song chính những hình ảnh thân thương ấy đã giúp Thùy thêm nghị lực. Có ai đó nói đến sự ưu tiên sau ngày hòa bình, nhưng với Thùy chỉ có một niềm ước ao cháy bỏng “Em chả cần chiếu cố đâu. Ước mong của em chỉ là hòa bình trở lại để em được về với má em. Có thế thôi”.
Ngày 16/61970: Tình hình vô cùng gay go. “Chúng mình đang sống trong những ngày căng thẳng tột bậc… địch tiếp tục uy hiếp dữ dội bằng đủ loại máy bay… dây thần kinh căng thẳng như một sợi dây đàn lên hết cỡ”. Một người có trách nhiệm bỏ cuộc nhưng Thùy đã ở lại với quyết định “không có cách nào giải quyết khác hơn là mình vẫn phải ở lại cùng anh em thương binh”. Nỗi nhớ nhà, nhớ Miền Bắc da diết “Ôi Miền Bắc xa xôi, bao giờ ta trở lại?”.
Ngày 18/6/1970: Tình hình vẫn hết sức căng. Trừ bữa cơm, ba chị em mỗi người một góc đăm đăm cảnh giới địch. Lúc này, Thùy đã viết những ước mơ, cũng là lời nhắn nhủ thấm thía đến những thế hệ không biết chiến tranh, không biết vì giá trị cuộc sống trong hòa bình mà bao lớp người đi trước đã ngã xuống “Mình sẽ trở về chắt chiu cho tổ ấm gia đình, mình sẽ biết quý từng phút từng giây hòa bình ấy bởi có sống ở đây mới hiểu hết giá trị của cuộc sống. Ôi, cuộc sống đổi bằng máu xương, tuổi trẻ của bao nhiêu người, biết bao nhiêu cuộc đời đã chấm dứt để cho cuộc đời khác được tươi xanh”.
Ngày 20/6/1970: Vẫn không ai trở về. Gạo chỉ còn một bữa. Không thể để thương binh đói. Ba chị em hội ý rồi hai người ra đi, mình Thùy ở lại với thương binh. Trong sự cô đơn Thùy đã bật khóc, thương cho hai chị, cho thương binh, thương cả chính mình. Trong trang cuối của cuốn nhật ký dở dang - người con gái dạn dày trong khói lửa nhưng đa cảm ấy đã viết những dòng tâm sự hết sức con người “Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dặn trong gian khổ nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt”."
Sinh ra và lớn lên trong gia đình êm ấm, tràn ngập yêu thương, nhưng cô gái trẻ đã dũng cảm dấn thân nơi chiến trường bom đạn, vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, với đồng bào. Trong triền miên nỗi nhớ nhà, cô gái luôn mong ước đến ngày hòa bình, sum họp chỉ để được ngả vào lòng mẹ. Nhưng cô gái đã ngã xuống, không bao giờ thực hiện được ước mơ đơn giản, rất đỗi con người ấy.
Ông Doãn Ngọc Thao đã ghi lại những dòng đầy cảm xúc: "Những người như Thùy và đồng đội của Thùy lẽ ra phải sống qua cuộc chiến. Bởi họ hiểu giá trị của cuộc sống hòa bình. Bởi họ biết phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống, trong khi không ít người được sống đã vội lãng quên!".
Khi còn là học sinh, Thùy Trâm mơ ước được làm cô giáo dạy văn đưa cái hay, cái đẹp vào tâm hồn trẻ và ví việc đó như sứ mệnh của một kỹ sư tâm hồn. Giờ đây, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đang được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận. Thùy Trâm đã trở thành người kỹ sư tâm hồn và với mỗi chúng ta tâm hồn ấy sống mãi, ngọn lửa từ trái tim đầy nhiệt huyết và yêu thương của cô sẽ còn mãi./.