Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, TTXVN là một trong số những cơ quan báo chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Lịch sử TTXVN mãi mãi ghi nhớ công ơn của Bác Hồ đối với sự phát triển của ngành.

1. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta không có hãng thông tấn. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra hãng thông tấn nhà nước Việt Nam với tên gọi Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).

Đến nay, nhiều người Thông tấn vẫn còn lưu truyền câu chuyện ngày 4/3/1952, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đến thăm cơ quan VNTTX (mật danh T6) ở Sơn Dương, Tuyên Quang. Bác thân mật nói chuyện với anh chị em, ân cần nhắc nhở mọi người thi đua làm tốt công tác, chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ăn ở và giữ gìn bí mật. Nhận tin từ một cán bộ liên lạc của VNTTX, Bác căn dặn: "Tin tức càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi".

Nhà báo TTXVN Lê Việt Thảo (người đi giữa phía sau) theo sát các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa tin

Nhiều phóng viên của VNTTX như: Mạnh Hào, Đinh Chương, Lê Việt Thảo, Tô Kim Nhâm, Vũ Tín… từng được Bác quan tâm, tạo điều kiện khi tác nghiệp. Phóng viên ảnh Vũ Tín kể rằng, khi Bác Hồ đi bầu cử, thấy phóng viên chưa kịp chụp, Bác vỗ tay trên mặt hòm phiếu nhắc nhở, đợi khi ánh đèn flash lóe lên, biết là phóng viên đã chụp được ảnh, Bác mới thôi.

Phòng Truyền thống của TTXVN hiện còn lưu giữ khá nhiều bản thảo các bản tin có bút tích biên tập của nhà báo đặc biệt xuất sắc Hồ Chí Minh. Bác Hồ sửa từ đầu đề, câu, chữ đến cách dùng từ cho các bản tin viết về hoạt động của Người.

Dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường tự tay sửa tin, duyệt bài của phóng viên VNTTX
Bút tích của Bác Hồ sửa tin VNTTX

Trước lúc đi xa, Bác còn nhận xét về bản tin nhanh 7 giờ ngày hôm đó của VNTTX. Đó là lần nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của TTXVN. Và mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt của VNTTX ngày 3/5/1969 đã ghi dấu bút tích đoạn mở đầu Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước lúc Người đi xa.

2. Sinh thời, Bác Hồ đọc bản tin VNTTX hằng ngày, thấy tin nào hay, cá nhân nào có nhiều thành tích, Người dùng bút đỏ, phê vào bên lề và yêu cầu xác minh để khen thưởng. Nhà báo Trần Hữu Năng, nguyên Trưởng phân xã tại Hải Phòng được Bác Hồ tặng Bằng khen vì có thành tích viết tin phát hiện điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước là nhà máy cơ khí Duyên Hải (TP. Hải Phòng). Tin viết về “Hội mùa trí tuệ công nhân” của nhà máy được bản tin Thông tấn xã phát ngày 9/2/1961. Sau đó, nhà báo Trần Hữu Năng viết tiếp các tin về phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất của công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải.

Ngay cả nhà báo Trần Hữu Năng - tác giả của tin cũng không hề biết rằng, Bác Hồ đọc tin của ông đã phê bằng bút đỏ yêu cầu xác minh. Điều lý thú là Ban biên tập báo Nhân Dân cũng nhanh chóng vào cuộc bằng hàng loạt quyết định nghiệp vụ quan trọng: sau khi sử dụng các tin của VNTTX vào ngày 4 và 7/3/1961, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân Hoàng Tùng; Phó tổng biên tập Hồng Hà và cán bộ Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã về TP. Hải Phòng tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu phong trào thi đua của công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải. Ngay sau đó, báo Nhân Dân cũng có xã luận và loạt bài về nhà máy cơ khí Duyên Hải.

Phó giám đốc VNTTX Lê Bá Thuyên (người đeo kính) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm các nước XHCN anh em sau ngày miền Bắc được giải phóng

Lãnh đạo VNTTX cấp tốc bổ sung hai phóng viên Mai Hữu Phúc và Nguyễn Chính từ Tổng xã về Hải Phòng. Báo Nhân Dân cũng cử phóng viên biệt phái về Hải Phòng. Mọi thông tin về nhà máy cơ khí Duyên Hải được báo cáo lên Bác Hồ. Ngày 21/3/1961, Bác Hồ đã về Hải Phòng, thăm công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải.

Nhà báo Trần Hữu Năng bình luận về sự kiện này là “súng đã nổ và cờ đã phất”. Bác Hồ đã phát động phong trào thi đua yêu nước: Sóng Duyên Hải (lĩnh vực công nghiệp), Gió Đại Phong (lĩnh vực nông nghiệp), Cờ Ba Nhất (lực lượng vũ trang nhân dân) và Tiếng trống Bắc Lý (ngành giáo dục).

Bằng khen về thành tích trong công tác phóng viên của nhà báo Trần Hữu Năng do Bác Hồ trao tặng cùng Giấy chứng nhận giải Nhất của Hội Nhà báo Việt Nam dành cho chùm tin “Cơ khí Duyên Hải” là kỷ vật quý báu trong cuộc đời làm báo của nhà báo Trần Hữu Năng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với phóng viên VNTTX Bùi Đình Túy (ngoài cùng bên phải), nguyên Phó giám đốc TTXGP

Gần 40 năm công tác tại TTXVN, tôi từng được nghe các đồng nghiệp thế hệ nhà báo Trần Hữu Năng kể về vinh dự nghề nghiệp đặc biệt này. Gần đây, liên lạc với con trai cố nhà báo Trần Hữu Năng, tôi được biết anh vừa tìm thấy một số tư liệu của cha, trong đó có Bằng khen của Bác Hồ.

Đó là tấm Bằng khen số 1261 đã phai màu do Bác Hồ ký tặng ngày 14/11/1962, trong đó ghi rõ: “Đã lập nhiều thành tích công tác trong năm 1961” - thời điểm nhà báo Trần Hữu Năng phát hiện điển hình xuất sắc trong sản xuất công nghiệp là nhà máy cơ khí Duyên Hải, TP. Hải Phòng.

Xem lại bút tích, hồi tưởng về sự kiện này của cố nhà báo Trần Hữu Năng, tôi càng thấm thía với tâm niệm của một nhà báo đàn anh khi khẳng định: Tin là vũ khí hiệu quả cao của TTXVN./.

Học tập và noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, Đảng bộ Ban biên tập Ảnh TTXVN về khu ATK Định Hóa, Thái Nguyên, thăm nơi ở, làm việc của Người tại Di tích Lán Tỉn Keo và sinh hoạt chuyên đề "Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương", ngày 17/5/2023