Anh Nguyễn Thanh Dũng cũng cho biết thêm, từ năm 2013, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã mời nghệ sĩ Phạm Hoàng Việt và nghệ sĩ Minh Đức – những người có nhiều năm nghiên cứu nghệ thuật Bài Chòi Bình Định nói riêng, Trung Bộ nói chung, đến giảng dạy Hội Bài Chòi cho anh chị em trong câu lạc bộ. Đến nay, câu lạc bộ có 10 người, gồm 3 nhạc công và 7 diễn viên, nghệ sĩ có thể hô, hát Bài Chòi. Điều đặc biệt, cả 10 thành viên đều có quan hệ huyết thống 3 đời với nhau. Thành viên lớn tuổi nhất là nghệ sĩ Lê Thị Kim Yến (70 tuổi), thành viên nhỏ tuổi nhất 17 tuổi chính là con trai của anh Nguyễn Thanh Dũng.
Nghệ sĩ Kim Yến, người có hơn 60 năm gắn bó với nghề hát bộ và hát hội Bài Chòi vẫn nhớ rất rõ khung cảnh làng quê vào hội Bài Chòi từ những năm 60 của thế kỷ XX. Thời điểm đó, Bài Chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết. Các làng mời gánh hát về phục vụ ban đêm, còn ban ngày tổ chức Hội Bài Chòi. Thời đó, dân ở các làng chài dù còn nghèo nhưng rất mê Tuồng cổ, hát Bộ, Bài Chòi... nên các gánh hát đến biểu diễn đều được người dân gửi tặng tiền hay những món quà quê.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chương trình bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi nói chung và Hội Bài Chòi nói riêng; trong đó chú trọng hỗ trợ các câu lạc bộ, nghệ nhân trong việc truyền dạy di sản nghệ thuật bài chòi tại cộng đồng; xây dựng các Hội Bài Chòi.../.
Phan Sáu