Ngày 15/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận được điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch rút ngắn thời gian giành thắng lợi. Theo đó, thay vì hoàn thành kế hoạch giải phóng Tây Nguyên dự kiến trong năm 1976, sẽ rút ngắn chỉ còn trong vòng vài ba tháng của năm 1975, có thể xong trước mùa mưa năm 1975.
Mở đầu Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, đánh Buôn Ma Thuột là trận mở đầu, then chốt. Đó là quyết định đúng đắn, sáng suốt. Trong ảnh: Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, tháng 3/1975. Ảnh: TTXVN

Chiều ngày 15/3/1975, giữa lúc Bộ Tư lệnh Chiến dịch đang tiếp tục chỉ đạo các trận đánh, thì đồng chí Văn Tiến Dũng gọi điện trực tiếp thông báo: “Địch có khả năng rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku”. Bộ Tư lệnh Chiến dịch khẳng định: “Địch có thể rút bỏ Pleiku và Kon Tum là một khả năng hiện thực và tình huống rút chạy của địch có thể diễn ra. Vì vậy, cần phải triển khai ngay kế hoạch đánh địch trong tình huống địch tháo chạy”.

Nghệ thuật quân sự ở Chiến dịch Tây Nguyên chính là thế trận “trói địch lại mà đánh”, ta chủ trương: "Chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công đột phá; vừa bí mật vừa nghi binh”. Trong ảnh: Bộ đội thiết giáp, quân giải phóng thảo luận phương án đánh vào căn cứ Đắc Pét (Kon Tum), 1975. Ảnh: Hà Mùi - TTXVN

Bộ Tư lệnh thống nhất triển khai thế chiến dịch như sau:

- Diệt Buôn Ma Thuột xong thì sẵn sàng diệt viện, không phải một lần mà nhiều lần, không phải chỉ đánh với Quân đoàn 2 ngụy mà tính cả việc đánh với quân tổng dự bị của Sài Gòn phái đến bằng đổ bộ đường không, vì các đường chiến lược số 19, số 14, số 21 đều đã bị ta cắt và chốt chặn vững chắc, không cho địch lên mà cũng không cho chúng rút.

- Tình huống có thể chuyển biến rất nhanh vì địch từ chỗ chủ quan bị động, hoàn toàn bất ngờ lúc đầu, sau hai trận thua đau có thể đi đến hoảng hốt và có những chủ trương sai lầm lớn hơn.

Ta kiểm tra lại các hệ thống thông tin, các đài thu tin của địch, gọi về Hà Nội hỏi thêm tình hình chung trên chiến trường; đôn đốc Bộ Tư lệnh Tây Nguyên nắm chặt tình hình các trung đoàn 95, 25, các sư đoàn 320, 10 trên các đường số 19, số 14 và số 21 và dặn phải sẵn sàng tăng cường lực lượng cho Trung đoàn 25 ở đường số 21.

Về phía ngụy, ngày 15/3, Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy, bí mật triển khai kế hoạch rút quân, sử dụng 2 liên đoàn biệt động quân số 6 và 23 cùng lữ đoàn kỵ binh số 2 ngụy làm nhiệm vụ bảo vệ đường. Liên đoàn công binh đi trước để chữa đường và bắc cầu. Từ đêm ngày 14 đến ngày 15/3/1975, Sư đoàn 16 không quân của địch đã vận tải cơ quan quân đoàn 2 và lính không quân về Nha Trang. Tin tức địch rút chạy loan truyền trong binh lính và nhân dân thị xã Pleiku./.

Thu Hạnh (tổng hợp)

Nguồn:

- TTXVN; 
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000; 
- Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010; 
- Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; 
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019;
- Thượng tướng Trần Văn Trà: Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024;
- Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024.