Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và cả nước cùng dựng xây chủ nghĩa xã hội. Tình hình đó tác động mạnh mẽ đến phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

Ngày 6/6/1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại Hội trường Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Dự hội nghị có 72 đại biểu thay mặt cho 3 triệu đoàn viên công đoàn hai miền Nam-Bắc, Hội nghị đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam-Bắc thành  “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm Tổng thư ký.

Đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, công đoàn trong cả nước, Đại hội lần thứ IV Công đoàn Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 8/5/1978. Tham dự đại hội có 926 đại biểu, thay mặt cho  trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đại hội đã xác định những nhiệm vụ của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn là: vận động tập hợp, đoàn kết công nhân lao động, phát huy truyền thống cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất thực hiện thành công kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.

Sau Đại hội, Phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa với 5 nội dung cụ thể trong công nhân, viên chức đã tạo được bước chuyển biến tích cực, nhiều điển hình tiên tiến và nhân tố mới trong sản xuất đã hình thành. Kết quả của phong trào thi đua đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật ban đầu của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong 5 năm (1976-1980), Công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở, đã thường xuyên quan tâm và có nhiều có gắng chăm lo đời sống công nhân, viên chức nhưng do tình hình khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài, giá cả tăng nhanh, giá trị lương thực tế giảm nên đời sống công nhân, viên chức gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, nông-lâm trường mất việc làm. Trong tình hình đó, công đoàn vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, ổn định tư tưởng trong công nhân, viên chức, tăng cường kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách Nhà nước đã ban hành; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, tham ô, bớt xén tiêu chuẩn của người lao động; phát động phong trào làm chủ xí nghiệp, khai thác mọi tiềm năng thúc đẩy sản xuất phát triển.

Công đoàn Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ với công đoàn các nước, tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của lao động và công đoàn quốc tế đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa công nhân thế giới với công nhân  Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn của Công đoàn Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong đó khẳng định “Tổng Công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước”.

Tóm lại, sau ngày đất nước thống nhất, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam phát triển nhanh, mạnh. Cùng với nhân dân lao động cả nước giai cấp công nhân đã đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất, khắc phục hậu quả của 30 năm chiến tranh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng bộc lộ những mặt hạn chế như: Công tác chỉ đạo thi đua còn chung chung, chưa tập trung vào phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức. Công đoàn chưa thực sự là cơ quan đại diện quyền làm chủ của công nhân, viên chức, chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động.