Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, nhưng mỗi ca khúc ông để lại đều có chỗ đứng sâu đậm trong lòng công chúng bởi sự mượt mà trong lời ca, những thanh âm dặt dìu lôi cuốn. Người nghệ sĩ tài hoa được mệnh danh là “ông hoàng tình ca” hay "nhạc sĩ của mùa Thu" sinh vào ngày này cách đây tròn 100 năm, ngày 15/6/1924.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng với thương hiệu nước mắm nổi tiếng đã đi vào câu thơ "Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Từ mảnh đất này, ông đã cùng các nhạc sĩ nổi tiếng của thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam, như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Tô Vũ, Canh Thân... lập nên nhóm nhạc Đồng Vọng vang danh khắp cả nước.

Ông để lại cho âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, ông thường nhắc đến mùa thu trong các sáng tác của mình và thường tự nhận mình là “tay mơ” trong sáng tác nhạc… Những sáng tác nổi tiếng và bất hủ của ông có thể kể đến, như: "Tình nghệ sĩ" (1948); "Thu quyến rũ" (1950); "Chuyển bến" (1951); "Gửi gió cho mây ngàn bay" (1952); "Lá đổ muôn chiều" (1954); "Chiếc lá cuối cùng" (1955); "Gửi người em gái miền Nam" (1956); "Thủa trâm cài" (1965); "Màu nắng có bao giờ phai đâu" (1989, ca khúc cuối cùng)…

Bằng những nốt nhạc phiêu linh, truyền cảm cùng ca từ tràn đầy lãng mạn, các nhạc phẩm của ông nhẹ nhàng bước vào đời sống âm nhạc Việt Nam, đọng lại trong lòng người nghe những thanh âm trong trẻo. Chính những điều giản dị này đã khiến người hâm mộ biết bao thế hệ luôn say đắm.

Ngày 15/11/2001, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã mãi mãi ra đi để lại nỗi tiếc nhớ khôn nguôi trong lòng bao người yêu nhạc. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã để lại câu nói cuối cùng: "Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại". Và mặc cho những biến động và xoay vần của thời gian, những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn vẫn còn nồng đượm mãi. 

Năm 2019, để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa, tên của ông được đặt cho tên một con phố nằm trên phường Hải Đông, quận Hải An, thành phố Hải Phòng - quê hương ông.