Hà Nội (TTXVN 31/10/2024) Với 35 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động bền bỉ, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là trang sử vẻ vang, tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ

* Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực

Đồng chí Hoàng Văn Thụ có tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, sinh ngày 4/11/1909 trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học ở thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

Từ nhỏ, đồng chí đã được gia đình cho học cả chữ Hán và chữ quốc ngữ, từ đó có điều kiện tiếp xúc với những người bạn cùng chí hướng như Hoàng Đình Giong, Lương Văn Tri và sớm tham gia phong trào yêu nước.

Năm 1926, khi đang học tại trường tiểu học Pháp-Việt Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng nhiều học sinh trong lớp tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh và lập ra nhóm “Thanh niên yêu nước” ở Lạng Sơn.

Năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi trong nước và ngoài nước. Tháng 9/1939, đồng chí được phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; trên cương vị này, đồng chí đã có những chỉ đạo quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng của các địa phương ở Bắc Kỳ phát triển đi lên một bước.

Tháng 8/1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại một cơ sở binh vận ở Hà Nội. Biết đồng chí là một cán bộ cao cấp của Đảng, chúng dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt dụ dỗ, mua chuộc hòng làm lung lạc tinh thần của đồng chí. Tuy nhiên, đồng chí vẫn vững vàng trả lời kẻ địch một cách đầy lý lẽ và cương quyết: "Chúng tôi là những người cộng sản. Chúng tôi có đường lối, chủ trương rất rõ rệt. Chúng tôi chống phát xít Nhật cũng như nhân dân Pháp chống phát xít Đức. Nếu các ông tử tế thì nên chống phát xít Nhật và không nên đàn áp những người cộng sản".

Dụ dỗ, tra tấn cực hình không khuất phục nổi đồng chí, cuối tháng Giêng năm 1944, thực dân Pháp mở phiên tòa đưa đồng chí ra xét xử. Tại tòa, khi bị kết án tử hình, đồng chí đã hướng về phía các đồng chí mình dự phiên tòa nói to: "Các đồng chí cần luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, tiêu diệt bè lũ phát xít Nhật-Pháp... Tuy tôi không còn được cùng các đồng chí tiến hành hoàn thành công cuộc cách mạng của Đảng, nhưng tôi vẫn có thể chết với một tâm hồn nhẹ nhàng của người đã làm tròn nhiệm vụ. Phải vì cách mạng mà chết thì tôi cũng rất vui lòng".

Ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh trước mũi súng quân thù. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Tên tuổi, sự nghiệp, công lao, sự hy sinh cống hiến của đồng chí trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp  nhân dân học tập, noi theo.

* Cống hiến cho phong trào cách mạng các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhắc đến những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ trong việc chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng các tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương ở Bắc kỳ, không thể không nhắc đến dấu mốc quan trọng khi đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng các chiến sĩ cách mạng về vận động và xây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh Lạng Sơn-Cao Bằng-Thái Nguyên.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng-Lạng Sơn-Thái Nguyên, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc, sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao và cống hiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con trung kiên của quê hương Lạng Sơn. Đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh Bắc Kỳ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, quán triệt chủ trương của Đảng về vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền núi biên giới, nhằm tạo ra một địa bàn hoạt động cho Đảng, tại Lạng Sơn-Cao Bằng, một chi bộ cộng sản được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm: Bắt mối, gây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng ở hai tỉnh giáp biên giới là Lạng Sơn và Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ phân công về gây dựng phong trào cách mạng ở Lạng Sơn.

Đồng chí đã tiến hành tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho quần chúng ở Văn Uyên (Lạng Sơn), thông qua đó, quần chúng bắt đầu được giác ngộ tinh thần yêu nước. Dựa vào địa bàn vùng núi biên giới, các chiến sĩ cách mạng đã xây dựng được nhiều tổ chức quần chúng trung kiên, đặc biệt là ở Văn Uyên. Các cơ sở này đã bảo vệ một cách an toàn cho nhiều cán bộ đang hoạt động ở vùng biên giới.

Trước sự phát triển lớn mạnh của phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên giới, nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng được tổ chức ở Lạng Sơn. Đến giữa năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong, thay mặt Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đã tuyên bố thành lập Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn nhằm tiếp tục bồi dưỡng, xây dựng hạt nhân cho phong trào cách mạng; đồng thời, tạo nên hệ thống trạm liên lạc bí mật và một đường dây an toàn cho các các cán bộ Đảng đi lại và hoạt động ở vùng biên giới. Chính các cơ sở và đường dây liên lạc bí mật này đã góp phần quan trọng vào việc đưa đón cán bộ, bảo vệ an toàn cho các đại biểu trong nước ra dự Đại hội lần thứ Nhất của Đảng.

Cuối năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cử cán bộ về Võ Nhai (Thái Nguyên) để tiếp tục củng cố phát triển phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, mở rộng địa bàn phong trào cách mạng 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên với phong trào cả nước. Việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng ở Thái Nguyên đã góp phần khai thông con đường liên lạc giữa phong trào cách mạng ở các tỉnh miền núi, biên giới với phong trào cách mạng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng lân cận.

Cùng với những nỗ lực trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, việc phát triển phong trào ở Thái Nguyên mở ra một địa bàn quan trọng, giúp cho Xứ ủy Bắc Kỳ có điều kiện thuận lợi để kịp thời chỉ đạo phong trào của quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền núi.

Có thể khẳng định, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo, một người cộng sản mẫu mực suốt đời trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Tên tuổi của đồng chí Hoàng Văn Thụ gắn liền với sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX./.

Phương Phương (tổng hợp)