1. Quan hệ chính trị        

- Ta và Bờ Biển Ngà lập quan hệ ngoại giao ngày 6/10/1975, có quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp.

- Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Tháng 9/2018, ông Nguyễn Thế Phiệt đã chính thức được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự Bờ Biển Ngà tại Tp. HCM. Tháng 8/2019, bà Nguyễn Lệ Uyên Phương đã chính thức được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bờ Biển Ngà.  

- Trao đổi đoàn: Phía ta: Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang (2008), Đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại gồm đại diện của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Long An và 10 doanh nghiệp (2010), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (5/2014), Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (4/2017); UVBCT, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng (6/2019); UVBCT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (11/2019). Phía bạn: Đoàn công tác của Hiệp hội Bông và Điều Bờ Biển Ngà (3/2014, 2/2016); Quốc Vụ khanh phụ trách Xúc tiến Đầu tư (9/2018); Bộ trưởng, Chánh văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Kinh tế số, Bộ trưởng Nông nghiệp (5/2019); Bộ trưởng Ngoại giao (6/2019).

- Các văn bản ký kết: Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (5/2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (4/2017).

2. Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư

- Thương mại: Từ 2015 đến nay, kim ngạch thương mại giữa ta và Bờ Biển Ngà phát triển nhanh, chủ yếu nhờ hoạt động mua bán điều thô và bông. Năm 2017, Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn nhất của ta tại châu Phi (kim ngạch hai chiều 2017 đạt hơn 1 tỷ USD) và năm 2018 đứng thứ 2 (sau Nam Phi) với kim ngạch đạt 980 triệu USD, trong đó ta xuất 182,4 triệu USD và nhập 791,6 triệu USD (chủ yếu là điều và bông). Năm 2019, kim ngạch hai chiều đạt 974,9 triệu USD, trong đó ta xuất khoảng 273 triệu USD (gạo đạt 252,6 triệu USD), nhập chủ yếu điều (642 triệu USD) và bông (45 triệu USD).

- Đầu tư: Bạn mong muốn thu hút đầu tư của Việt Nam vào các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, nhất là điều, khai khoáng.

- Cộng đồng người Việt tại Bờ Biển Ngà: Hiện có khoảng 300 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Bờ Biển Ngà (chủ yếu làm nghề buôn bán, mở nhà hàng và cửa hàng ảnh tại Abidjan) và khoảng gần 1000 tiểu thương qua lại mua bán điều giữa hai nước.

 [Nguồn: Bộ Ngoại giao]