Tháng 10/2021, Thủ tướng Kishida Fumio trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của các Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo và Suga Yoshihide; tiếp tục coi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trục cơ bản; thúc đẩy 3 trụ cột về ngoại giao, an ninh quốc phòng gồm: (i) kiên quyết bảo vệ những giá trị phổ quát như tự do, chủ nghĩa dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật, phối hợp với các nước đồng minh, đồng chí hướng thúc đẩy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP); (ii) bảo đảm hòa bình và ổn định của Nhật Bản, tăng cường năng lực phòng vệ, phòng thủ tên lửa, bảo đảm an ninh trên biển để bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải, không phận, cũng như tính mạng và tài sản người dân; (iii) giải quyết những vấn đề toàn cầu, dẫn dắt cộng đồng quốc tế, đóng góp cho nhân loại; nỗ lực vì thế giới không có vũ khí hạt nhân, thúc đẩy các biện pháp ứng phó với trái đất nóng lên, xây dựng những luật lệ mới như lưu thông dữ liệu tự do.

Ngày 17/01/2022, Thủ tướng Kishida phát biểu diễn văn chính sách tại Quốc hội, nhấn mạnh “Ngoại giao hiện thực trong thời đại mới” trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng diễn biến phức tạp với ba trụ cột: (i) coi trọng những giá trị phổ quát và nguyên tắc về tự do, chủ nghĩa dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật; (ii) tích cực tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu và (iii) bảo đảm sinh mạng và cuộc sống người dân Nhật Bản.

          Nhật Bản tiếp tục phát triển quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, trụ cột trong chính sách ngoại giao, an ninh quốc phòng, nền tảng hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới; phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các thách thức toàn cầu như Covid-19, biến đổi khí hậu, thực hiện FOIP. Mạnh mẽ đề nghị Trung Quốc hành động có trách nhiệm; tiếp tục đối thoại về các vấn đề giữa hai nước cũng như hợp tác trong những vấn đề cùng quan tâm, hướng tới xây dựng quan hệ mang tính xây dựng và ổn định trên cơ sở kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2022. Với Nga, phê phán mạnh mẽ việc Nga xâm lược Ukraine, coi đây là động thái thách thức nguyên tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế, đe dọa trật tự thế giới; đàm phán Hiệp ước hòa bình Nhật - Nga không có tiến triển. Khẳng định Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng, tuy nhiên dựa trên quan điểm nhất quán lâu nay đề nghị Hàn Quốc có biện pháp ứng xử phù hợp. Với Triều Tiên, khẳng định quyết tâm gặp Chủ tịch Kim Jong Un một cách vô điều kiện nhằm giải quyết vấn đề quan trọng nhất là công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với các nước ASEAN đối với ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực; cần thúc đẩy hợp tác cụ thể để tăng cường những nguyên tắc chung giữa FOIP và AOIP, đưa quan hệ Nhật - ASEAN lên giai đoạn mới dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào năm 2023; phối hợp tìm hướng giải quyết vấn đề Myanmar. Cam kết nỗ lực đóng góp vào giảm căng thẳng và ổn định tình hình tại Trung Đông; nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, không phổ biến hạt nhân, xóa đói giảm nghèo…

 

[Nguồn Bộ Ngoại giao]