Hà Nội (TTXVN 21/12/2022) Ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua tròn ba thập kỷ, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã không ngừng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, làm nền tảng vững chắc cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai.

* Sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, tăng cường
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về truyền thống, văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của chính phủ và nhân dân hai nước.


Tháng 8/2001, hai nước ra Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ XXI”. Tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược, tạo cơ sở chính trị quan trọng đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới. Từ đó đến nay, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển hết sức mạnh mẽ, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu.


Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (từ 4 đến 6/12/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy Hàn Quốc là Đối tác chiến lược toàn diện thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là bước phát triển mới, tạo khuôn khổ mới cho việc nâng tầm hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như hình thành nên các chuỗi cung ứng và mở rộng hợp tác sang lĩnh vực khoáng sản, quốc phòng an ninh, văn hóa…


Trong thời gian qua, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Việc trao đổi thường xuyên đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, cho thấy sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố, tăng cường. Có thể kể đến một số chuyến thăm gần đây, như chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12/2018), chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nhân tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc, Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất tháng 11/2019), chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 12/2021), và gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đầu tháng 12/2022); Về phía Hàn Quốc có chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến Việt Nam (tháng 3/2018); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-Seug (từ ngày 31/10 đến 4/11/2020)...


Bên cạnh các chuyến thăm, hai bên duy trì kênh trao đổi theo cơ chế “Đối thoại chiến lược Ngoại giao-An ninh-Quốc phòng cấp Thứ trưởng”, “Đối thoại an ninh Việt-Hàn cấp Thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt-Hàn cấp Thứ trưởng”... Kể cả trong thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc vẫn thường xuyên duy trì tiếp xúc cấp cao thông qua các chuyến thăm và trao đổi trực tuyến, qua đó vận hành ổn định các cơ chế đối thoại và hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực.


Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước còn hợp tác chặt chẽ và có những đóng góp tích cực tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác khu vực như Mekong-Hàn Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS)... Không chỉ hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hai bên còn chia sẻ lập trường về các vấn đề mang tính nguyên tắc như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương...


Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á.

* Hợp tác kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng hợp tác kinh tế, được coi là yếu tố then chốt và đóng góp hết sức to lớn cho quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế diễn ra với tốc độ nhanh chóng, quy mô to lớn và hiệu quả. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ); là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).


Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục tăng trưởng, giai đoạn 2010-2015 tăng gần 3 lần, từ 12,8 tỷ USD năm 2010 lên 36,55 tỷ USD năm 2015. Trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015, hai bên đã tăng cường mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư, đi đôi với thúc đẩy cân bằng thương mại. Nhờ đó, kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đã tăng lên 67 tỷ USD (chiếm 40% tổng kim ngạch ASEAN-Hàn Quốc). Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn gần bằng với thời điểm trước khi diễn ra đại dịch - 66 tỷ USD và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với kim ngạch song phương đạt 78 tỷ USD; 11 tháng năm 2022 đạt trên 80 tỷ USD. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng này thì hai bên có khả năng hoàn thành mục tiêu kim ngạch 100 tỷ USD vào năm 2023 như lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra.


Đặc biệt, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 80,8 tỷ USD và 9.511 dự án còn hiệu lực (tính lũy kế đến 20/11/2022,). Trong đó, năm 2021, đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 4,95 tỷ USD với gần 361 dự án mới; 11 tháng năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 3 (sau Singapore và Nhật Bản) về đầu tư với vốn đăng ký cấp mới đạt 4,1 tỷ USD, 375 dự án mới. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư chủ yếu là sản xuất và chế tạo.


Về hợp tác phát triển, hiện Hàn Quốc là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ hai của Việt Nam với 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 2012-2015; hai bên đã gia hạn Hiệp định tín dụng khung Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn 2016-2020 quy mô 1,5 tỷ USD (ký tháng 11/2017).

* Hợp tác trên các lĩnh vực khác ngày càng đi vào chiều sâu
Ngoài hợp tác về kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Hàn Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc), hiện có hơn 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.


Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Từ năm 2015 đến 2019, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 1,1 triệu lượt lên 4,3 triệu lượt. Ở chiều ngược lại, khách Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc cũng tăng cao (đạt 550 nghìn lượt người năm 2019). Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020-2021 giảm do tác động của dịch COVID-19 song đang tăng trở lại từ đầu năm 2022.


Về hợp tác nông nghiệp, Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai. Được ký lần lượt vào năm 2012 và 2015 với tổng vốn đầu tư của hai chương trình là trên 40 triệu USD, hai bên hướng đến các mục tiêu nhằm phát triển cộng đồng, tăng cường năng lực cho nhân viên y tế, phát triển giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và công chức.
Trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng có bước phát triển lớn trên cơ sở hai bên có nền tảng văn hóa và lịch sử tương đồng. Trong các năm qua, hai bên đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, trong đó có Liên hoan Phim Việt Nam vào tháng 7/2018 ở Seoul; Lễ hội Văn hóa Việt Nam năm 2018 và 2019 được tổ chức tại Quảng trường Gwanghwamun, những sự kiện văn hóa lớn của người Việt Nam tại Hàn Quốc luôn thu hút được bạn bè Hàn Quốc và quốc tế tham dự.


Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tính đến hết tháng 6/2019, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 180.000 kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.


Trong 30 năm qua, hơn 60 chính quyền trung ương địa phương của Việt Nam đã ký kết hiệp định hợp tác với 76 chính quyền trung ương và địa phương của Hàn Quốc. Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng, việc thúc đẩy giao lưu giữa chính quyền địa phương hai nước có thể là một giải pháp tốt thu hẹp khoảng cách giữa hai nước.


Năm 2022 không chỉ là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn ghi một dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Với nền tảng vững chắc là các thành tựu đã đạt được, thời gian tới, hai nước sẽ cùng tiến bước, tiếp tục là đối tác quan trọng và tin cậy lẫn nhau, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

Minh Duyên (tổng hợp)