Hà Nội (TTXVN 28/10/203) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa danh Truông Bồn của tỉnh Nghệ An đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả và là biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Chính nơi này cách đây 55 năm, vào ngày 31/10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đã ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Máu của họ đã hòa tan vào đất trời, trở thành huyền thoại trong lòng người, viết nên khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Đúng như lời của nhà thơ Lâm Thị Vỹ Dạ đã ca ngợi “Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi mình vào cuộc sống các em".
Thanh niên xung phong Truông Bồn san lấp hố bom năm 1968. Nguồn: báo Nghệ An

           * “Tọa độ lửa” Truông Bồn

Từ năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc. Chúng huy động toàn bộ sức mạnh của không lực ngày đêm đánh phá các tuyến đường, cầu cống, kho tàng, hòng cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

“Tọa độ lửa” Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5 km, độ cao gần 70 m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là tuyến đường vận tải chiến lược đặc biệt quan trọng, là điểm thắt cổ chai hiểm yếu nhất của các tuyến huyết mạch giao thông từ miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam qua Nghệ An. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu của chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã xác định điểm trọng yếu của tuyến đường 15A là ở “tọa độ Truông Bồn” và Truông Bồn trở thành một trong những túi bom lớn trên đất Nghệ An. Đế quốc Mỹ đã huy động hàng loạt máy bay chiến đấu hiện đại nhất, kể cả B52, ngày đêm dội bom đạn khắp các cung đường. Chỉ trong vòng bốn năm, từ năm 1964 đến năm 1968, trọng điểm này đã phải hứng chịu hơn 18.900 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa. Bom đạn của đế quốc Mỹ đã làm cho một vùng Truông Bồn vốn xanh tươi, trù phú trở nên hoang tàn, rừng bị tiêu huỷ, hầu hết các thôn làng bị tàn phá nặng nề.

Dưới mưa bom, bão đạn, cái chết luôn cận kề, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến và người dân vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, chiến đấu dũng cảm với quyết tâm sắt đá “sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”, giữ vững mạch máu giao thông cho những đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến.... Trên cung đường Truông Bồn đầy ác liệt này, quân và dân Nghệ An đã  đào đắp hàng triệu m3 đất đá; đưa hơn 94.000 lượt xe cơ giới qua lại an toàn; vận chuyển và giải tỏa hơn một triệu tấn hàng đi theo các đoàn quân vào chiến trường miền Nam.

Có lẽ trong tất cả các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX trên thế giới, hiếm có một chiến trường nào mà với không gian và thời gian eo hẹp như mảnh đất vỏn vẹn 6.000m2 của Truông Bồn, bình quân 1 phút rưỡi lại phải hứng chịu sức công phá của 1 quả bom tấn, với cường độ hủy diệt khủng khiếp có một không hai trong lịch sử nhân loại.

Truông Bồn trở thành nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ, đồng thời là “tọa độ lửa” khốc liệt, chứng kiến sức chiến đấu và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta, cũng như các chiến sỹ thanh niên xung phong. Hơn 1.200 người con ưu tú thuộc các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Máu của họ đã hòa tan vào đất trời, trở thành huyền thoại trong lòng người, viết nên khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ Việt Nam.

Các nữ thanh niên xung phong vót cọc tiêu dẫn xe qua Truông Bồn. Nguồn: báo Nghệ An

        * Khúc tráng ca bất tử

Đại đội 317, Đội 65, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An, là đơn vị chủ lực nên được điều động đi làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường. Sau hơn 3 năm phục vụ ở các trọng điểm giao thông quan trọng, đầu năm 1967, Đại đội 317  được lệnh chuyển đến Truông Bồn, với nhiệm vụ bằng mọi giá phải giữ được huyết mạch giao thông qua “tọa độ lửa” này.

Bất chấp những trận bom đạn hủy diệt, những chiến sĩ thanh niên xung phong đã bám trụ kiên cường với ý chí “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc. Sống kiên cường bám cầu, cắm đường. Chết kiên cường dũng cảm. Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Họ đã huy động tất cả những gì có thể để đảm bảo thông đường, chống ùn tắc, kể cả việc trở thành những “cọc tiêu sống”, đảm bảo an toàn cho từng đoàn xe chở hàng hóa, vũ khí đi qua.

Tháng 7/1968, Đại đội 317 cử Tiểu đội 2, gồm 14 chiến sỹ (12 nữ và 2 nam), làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp với công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt.

Sau chiến dịch “100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông”, Ban chỉ huy Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An đã cho phép 8 thanh niên xung phong của Tiểu đội 2 đã hết thời gian 3 năm phục vụ và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. Tất cả 8 người đã chia tay đồng đội, chờ sáng mai trở về nhà. Thế nhưng, đêm ngày 30/10/1968, Đại đội 317 nhận lệnh phải cấp tốc thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Cả 8 thanh niên xung phong chuẩn bị xuất ngũ ấy đã xung phong ở lại cùng các đồng đội của mình ra hiện trường làm nhiệm vụ.

Đến sáng ngày 31/10/1968, những chiến sĩ thanh niên xung phong vẫn miệt mài san lấp hố bom, đảm bảo cung đường an toàn cho các đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn. Vào lúc 6 giờ 10 phút, ngay khi hố bom cuối cùng vừa được san lấp, bỗng kẻng báo động vang lên, máy bay địch gầm rú trên bầu trời thi nhau trút bom, cả Tiểu đội 2 chưa kịp chạy vào hầm trú ẩn thì nhiều tiếng nổ chát chúa vang lên. 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, gồm 11 cô gái và 2 chàng trai, có chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ, có người đã nhận quyết định ra quân, có người đã định ngày đám cưới… đã anh dũng hy sinh, khi chỉ còn ít giờ nữa (0 giờ ngày 1/11/1968) là ngừng bắn, là hòa bình trên toàn miền Bắc.

13 tuổi thanh xuân, 13 câu chuyện vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất. Người trẻ nhất trong số họ là chị Nguyễn Thị Hoài mới 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Tâm vừa tròn 22 tuổi và tất cả các anh, các chị chưa ai kịp xây dựng hạnh phúc gia đình. Họ đã hy sinh khi chỉ ít giờ nữa, anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm, đã yêu nhau suốt 3 năm, sẽ đưa nhau về ra mắt nhà gái trong lễ đính hôn; chị Đàm Thị Bốn sẽ được xuất ngũ về với mẹ do anh trai vừa hy sinh ở chiến trường; các chị: Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên và Nguyễn Thị Phúc sẽ về nhà chuẩn bị đi học ở Trường trung cấp Y tế Nghệ An do đã đủ thời gian công tác ba năm ở Tổng đội. Dù trong tay đã cầm quyết định xuất ngũ, giấy gọi nhập học của các trường nhưng tất cả các anh, các chị đã lựa chọn ở lại với đất mẹ Truông Bồn, khi trái tim lắng nghe lời hiệu triệu từ chiến trường để không lỡ những chuyến hàng vào Nam, không lỡ tình đồng đội keo sơn, cho ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cho ngày thống nhất non sông không lỗi hẹn. Họ đã hiến dâng tuổi trẻ, tình yêu, ước vọng tương lai của mình để làm nên một Truông Bồn bất tử.

Trong khu mộ chung tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn hôm nay, tấm bia đá hoa cương khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sỹ anh hùng - 13 người con đã làm nên một huyền thoại Truông Bồn. Đó là các liệt sỹ: Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Phan Thị Dung, Hà Thị Đang, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa, Nguyễn Thị Hoài, Vũ Thị Hiên, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Văn và Đinh Thị Vinh. Sự hy sinh của các chị, các anh đã làm nên một huyền tích về ý chí bất khuất, kiên cường của quân và dân ta, viết nên một huyền thoại Truông Bồn.

13 liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn. Nguồn: báo Nghệ An


        * “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
55 năm đã trôi qua, Truông Bồn không còn dấu vết của những trận bom, màu xanh đã thay thế những đau thương, mất mát của một thời đạn lửa. Cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm nào. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, tiếp thêm sức mạnh cho hiện tại và tương lai khi các thế hệ hôm nay luôn nhớ về sự hy sinh của thế hệ đi trước bằng tất cả tình cảm và lòng tri ân sâu sắc.

Thể hiện lòng biết ơn và tri ân vô hạn với các anh hùng, chiến sỹ, liệt sỹ Truông Bồn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã xây dựng và khánh thành "Nhà bia mộ", quy tập hài cốt các liệt sỹ để chăm sóc và tưởng niệm vào năm 1994. Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sỹ thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Để ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, ngày 12/1/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Nguồn: báo Tin tức/TTXVN

Năm 2022, được sự giúp đỡ của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn về tư liệu, hình ảnh, nhóm Team Lee đã phục dựng ảnh chân dung 13 liệt sỹ Truông Bồn. Hình ảnh được phục dựng của các liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh được chia sẻ lên mạng xã hội thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích, bình luận. Nhiều người bày tỏ lòng biết ơn khi một lần nữa được ngắm nhìn chân dung của những cô gái, chàng trai kiên cường, hy sinh cả tuổi xuân để bảo vệ Tổ quốc ở Truông Bồn.

Truông Bồn hôm nay đã trở thành Khu di tích lịch sử quốc gia. Hàng ngày, Khu di tích lịch sử đặc biệt này đã đón và phục vụ hàng trăm lượt khách đến dâng hương, dâng hoa. Họ đến đây để soi mình vào cuộc đời của những tuổi 20 đã mãi mãi dừng lại với ngày hôm qua, để hiểu hơn cái giá của mỗi ngày đang sống và có thêm sức mạnh đi tới ngày mai. Và Truông Bồn đã, đang, sẽ mãi mãi là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam./.

Hoàng Yến (tổng hợp)