Hà Nội (TTXVN 10/10/2024) Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hàng vạn người dân vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Trước đó chỉ một ngày, ngày 9/10/1954, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có quyết định được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một trang sử mới, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô ngày một phát triển và lớn mạnh. Hà Nội hiện là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước.

 

Nơi thờ Danh nhân Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

* Lịch sử lâu dài, gắn với các giai đoạn phát triển của Thủ đô và đất nước

Ngành giáo dục Hà Nội có một lịch sử lâu dài, gắn liền với các giai đoạn phát triển của Thủ đô và đất nước Việt Nam.

Trong thời kỳ phong kiến, Hà Nội là trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước, nơi tập trung nhiều trường học và các nhà giáo nổi tiếng. Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070 dưới triều đại Lý, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo các nhân tài cho đất nước.

Tiếp đó, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, hệ thống giáo dục phong kiến suy giảm, thay vào đó là sự du nhập của hệ thống giáo dục phương Tây. Tuy nhiên, giáo dục trong thời kỳ này chủ yếu dành cho tầng lớp thượng lưu và người Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có những thay đổi sâu sắc. Chính quyền cách mạng tập trung vào xóa mù chữ cho người dân.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hàng vạn người dân vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Trước đó chỉ một ngày ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GDĐT Thủ đô trong kỷ nguyên cách mạng. Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, lúc này Hà Nội chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. 80% trẻ em còn lại - chủ yếu là con em của nhân dân lao động - bị thất học; khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ.

Sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội đã xác định, việc nhanh chóng xóa nạn mù chữ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì thế, khắp nơi trên địa bàn Thủ đô, các lớp bình dân học vụ được mở rộng rãi, thu hút đông đảo người học. Thành phố nhanh chóng phục hồi các trường học, tận dụng hệ thống cơ sở vật chất của chế độ cũ, dù hầu hết đều là trường tư thục với số lượng ít. Chỉ ít ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình.

Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi.". Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phu nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (27/3/1956). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đến cuối năm 1958, Hà Nội đã căn bản hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ cao, đạt 97,29% (nội thành đạt 98,1%; ngoại thành đạt 94,6%). Việc bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân và nhân dân cũng được đẩy mạnh với hơn 85.000 người tham gia các lớp bổ túc văn hoá. Cùng với kết quả căn bản xử lý xong nạn mù chữ, thành phố cũng tận dụng hệ thống giáo dục cũ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các tầng lớp nhân dân, đồng thời phát triển hệ thống các trường công lập, từng bước đưa giáo dục công lập chiếm vai trò chủ đạo trong hệ thống các trường học toàn thành phố.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, dù nhiều trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở miền Nam khốc liệt. Trong số đó không ít người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sau khi thống nhất đất nước, Hà Nội cùng cả nước bước vào công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Đây là thời kỳ gặp nhiều khó khăn nhưng cũng là thời điểm quan trọng trong lịch sử phát triển giáo dục của Hà Nội. Trong bối cảnh nhiều trường bị hư hỏng do bom đạn hoặc xuống cấp trầm trọng, học sinh phải học trong điều kiện thiếu thốn về sách vở, dụng cụ học tập, Hà Nội đã tập trung vào việc phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện chương trình xóa mù chữ cho người lớn và trẻ em. Chiến dịch này được triển khai rộng khắp với sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm giáo viên, sinh viên, và đoàn viên thanh niên. Nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ tại Hà Nội dần được nâng cao.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành GDĐT Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Mới đây, 4 ngôi trường tại huyện Đông Anh đã được thành phố công nhận công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, gồm: Trường THCS An Dương Vương, Trường Mầm non Kim Chung, Trường Mầm non Xuân Canh, Trường THCS Xuân Canh. Ảnh: TTXVN

 * Trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước

Hà Nội hiện đã trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước, với hệ thống trường học, đại học và các trung tâm nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ.

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước về cả số lượng học sinh, giáo viên, trường học, cũng như đầu tư vào cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Tính đến năm 2024, Hà Nội có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố hiện nay là trên 1.600 trường, chiếm tỷ lệ 72%. Trên địa bàn Hà Nội còn có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước.

Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Nhiều trường học ở Hà Nội đã được nâng cấp với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng học thông minh, thư viện điện tử và hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số vào giáo dục, đặc biệt là trong thời kỳ dịch COVID-19, giúp duy trì việc học trực tuyến hiệu quả.

Là công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô, Trường Tiểu học Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với thiết kế 3 tầng, tổng diện tích mặt sàn hơn 3.100 m2, có các hạng mục phụ trợ như sân bóng mini, thư viện xanh, nhà xe, thảm cỏ, cây xanh, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Về chất lượng đội ngũ giáo viên, thành phố không ngừng đầu tư và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giúp nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024, tổng số cán bộ giáo dục và giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là khoảng 130.000 người. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005.

Nhiều trường ở Hà Nội đã triển khai các chương trình giảng dạy song ngữ và liên kết với các trường quốc tế. Hà Nội hiện có hơn 30 trường quốc tế và trường song ngữ, đào tạo học sinh theo chuẩn quốc tế, giúp tăng cường kỹ năng tiếng Anh và khả năng hội nhập toàn cầu.

Về chất lượng giáo dục đại trà, Hà Nội luôn có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) cao, vượt mức trung bình cả nước. Năm 2024, tỷ lệ học sinh Hà Nội đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,8%, mức trung bình cả nước là 99,4%. Về giáo dục mũi nhọn, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia với 184 học sinh đoạt giải năm 2023. Học sinh Hà Nội cũng giành nhiều huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế ở các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh học, và Tin học.

Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 1990, trung học cơ sở năm 1999 và là một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Ngoài việc chú trọng học thuật, Hà Nội còn đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, giá trị đạo đức, lối sống văn minh cho học sinh. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên học sinh thành phố có một sân chơi nghệ thuật thông qua liên hoan các ban nhạc. Những nỗ lực này đang tạo đà để học sinh Thủ đô có thêm sức bật nhằm gặt hái thêm nhiều thành công trong các năm học tiếp theo.

Riêng về công tác cải cách hành chính, ngành GDĐT Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức triển khai trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục...

Hiện nay, giáo dục Hà Nội không chỉ tập trung vào phát triển hệ thống giáo dục công lập mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của các trường dân lập, quốc tế. Hà Nội cũng đang đẩy mạnh hội nhập giáo dục quốc tế với việc áp dụng các tiêu chuẩn và phương pháp giảng dạy tiên tiến của thế giới.

Với sự phát triển không ngừng, giáo dục Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, trở thành một điểm sáng của ngành giáo dục Việt Nam.

 * Tiếp tục dành sự quan tâm tối đa cho GDĐT

Với vị trí là Thủ đô của cả nước, ngành GDĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Sư Phạm Hà Nội) đón, tặng hoa chúc mừng hai học sinh. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Để giữ vững vị thế “đầu tàu” về chất lượng giáo dục của Thủ đô, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học, phát triển đội ngũ nhà giáo...

Ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, Hà Nội xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp trọng tâm. Do đó, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ như cấp kinh phí cho cán bộ, giáo viên đi học sau đại học; đưa giáo viên đi bồi dưỡng, nâng cao phương pháp giảng dạy ở nước ngoài... Phía ngành Giáo dục cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia kinh nghiệm” giai đoạn 2022-2025, góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng đội ngũ giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết đầu tư tập trung cho ba lĩnh vực trụ cột phát triển bền vững Thủ đô là giáo dục, y tế và văn hóa. Tổng mức đầu tư giai đoạn trung hạn là 51.000 tỷ đồng, trong đó, riêng đầu tư cho giáo dục và gần 30.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp có quy mô, chất lượng ngang với các nước trong khu vực. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục dành sự quan tâm tối đa cho giáo dục đào tạo, đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của toàn xã hội.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Vì vậy, thành phố tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.

Trải qua 70 năm, ngành GDĐT Hà Nội đã ghi dấu bằng những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vai trò tiên phong trong nền giáo dục của cả nước. Những thành quả ấy không chỉ phản ánh nỗ lực không ngừng của ngành mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Đây cũng chính là động lực to lớn, mở ra nhiều cơ hội để giáo dục Thủ đô tiếp tục bứt phá, vươn tầm trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho cả nước trong tương lai./.

Minh Duyên