“Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam/ Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc/ Tôi yêu những con người chưa hình dung ra hạnh phúc/ Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan…”. Đây là những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên viết về một người con yêu quý của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã anh dũng hy sinh, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bế Văn Đàn.
Anh hùng Bế Văn Đàn

  * Bế Văn Đàn - Người anh hùng giữ mãi những mùa cam Mường Pồn

Đồng chí Bế Văn Đàn sinh năm 1931, là người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hòa (nay là xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa), tỉnh Cao Bằng. Đồng chí sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, bố làm công nhân thợ mỏ, mẹ mất sớm khi Bế Văn Đàn còn nhỏ. Chứng kiến nỗi đau của người dân mất nước, đồng chí đã tham gia lực lượng du kích địa phương.

Tháng 1/1949, Bế Văn Đàn xung phong vào bộ đội và được biên chế vào tiểu đội bộ binh thuộc Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Đồng chí đã tham gia nhiều chiến dịch. Trong chiến dịch nào, đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, không quản ngại hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta lúc bấy giờ đang ở giai đoạn quyết liệt. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Bế Văn Đàn được phân công làm liên lạc viên cho tiểu đoàn và cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc chiến ác liệt ở Mường Pồn (nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), một đại đội của tiểu đoàn Bế Văn Đàn được giao nhiệm vụ bao vây quân Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó, thấy lực lượng của quân ta ít, quân Pháp tập trung hai đại đội có pháo binh yểm trợ liên tiếp phản kích, hòng đánh bật quân ta. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt, quân Pháp liều chết xông lên, quân ta kiên quyết ngăn chặn chốt giữ.

Nhận lệnh của tiểu đoàn phải giữ vững Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, tạo điều kiện các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch, mặc dù vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo mệnh lệnh trên, đồng chí đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ liên lạc xuống đại đội. Bế Văn Đàn đã dũng cảm vượt qua lưới đạn dày đặc của địch xuống đại đội  chiến đấu, truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn: “Bằng mọi giá phải giữ chân địch để đơn vị lớn triển khai lực lượng”. Trận chiến đấu ở Mường Pồn diễn ra ngày càng ác liệt hơn, Bế Văn Đàn được lệnh ở lại đại đội trực tiếp chiến đấu cùng đồng đội, siết chặt vòng vây địch.

Tranh vẽ “Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn”. Ảnh tư liệu

Ngày 12/12/1953, quân Pháp tổ chức phản kích, mở đường ra. Đơn vị bị thương vong nhiều, chỉ còn lại 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng đồng chí vẫn kiên cường giữ vững vị trí chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ đã hy sinh. Còn khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt súng, tầm nhìn bị địa hình che khuất. Thấy tiếng súng của ta ít đi, quân địch lại ào ào phản kích, tình thế gay cấn và cấp bách hơn bao giờ hết.

Trong tình thế hết sức khẩn trương đó, Bế Văn Đàn đã lao nhanh đến chỗ đồng chí Pù và ngồi xuống trong tư thế quỳ, cầm khẩu trung liên đặt hai chân đế lên hai vai mình giữ chặt và hô đồng đội bắn ngay. Đồng đội đều bất ngờ và xúc động, đồng chí Pù còn chần chừ chưa dám bóp cò. Trong giây lát, như hiểu được suy nghĩ của người bạn chiến đấu, Bế Văn Đàn hô to: “Kẻ thù đang trước mặt, đồng chí bắn đi, trả thù cho đồng đội!”. Chu Văn Pù nghiến răng nổ súng, trút lửa về phía địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên. Đợt phản kích của quân địch bị bẻ gẫy hoàn toàn.

Quân ta tiếp tục giữ vững trận địa chiến đấu. Nhưng trong thời gian đứng làm giá súng, đồng chí Bế Văn Đàn tiếp tục bị 2 vết thương nữa và anh dũng hy sinh khi hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai mình. Tấm gương dũng cảm của Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua lập công, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Hình ảnh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội mừng công của đơn vị, đồng chí Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, và bình bầu là Chiến sĩ thi đua số một của Đại đoàn 316.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31/8/1955, đồng chí Bế Văn Đàn được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.

Nghĩa trang liệt sỹ A1 có 644 ngôi mộ, duy chỉ có bốn ngôi mộ lớn có bia khắc đủ họ tên là của các anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can. Trong nghĩa trang còn có nơi ghi danh các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tháng 5/1959, Đảng, Nhà nước và nhân dân địa phương đã tiến hành di chuyển hài cốt của đồng chí Bế Văn Đàn tại Mường Pồn, nơi đồng chí hy sinh, về Nghĩa trang Liệt sĩ A1 ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

* Khu lưu niệm Anh hùng, liệt sỹ Bế Văn Đàn được công nhận là Di tích lịch sử

Ngôi nhà của Anh hùng Bế Văn Đàn được phục dựng nằm trong cụm Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Anh hùng Liệt sỹ Bế Văn Đàn. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Tháng 7/2018, khu nhà lưu niệm Anh hùng, liệt sỹ Bế Văn Đàn, thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống, được khởi công tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Với tổng diện tích hơn 2.800 m2, khu nhà lưu niệm Anh hùng, liệt sỹ Bế Văn Đàn bao gồm: nhà trưng bày, đón tiếp; đền tưởng niệm; đền thờ; cột cờ; cổng; hàng rào; khu sân vườn... có tổng mức đầu tư trên 7,3 tỷ đồng. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng; nơi đón tiếp, tham quan học tập và nghiên cứu về truyền thống lịch sử của đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Cao Bằng.

Với những giá trị về lịch sử, ngày 8/12/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng quyết định công nhận Khu lưu niệm Anh hùng, liệt sỹ Bế Văn Đàn là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Anh hùng Liệt sỹ Bế Văn Đàn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Ngày 19/12/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận địa điểm lưu niệm Anh hùng, liệt sỹ Bế Văn Đàn là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, để tưởng nhớ và tri ân, tên của Anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn được đặt cho nhiều đường phố và ngôi trường ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Di tích Mường Pồn nơi Anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của thế hệ cha ông ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

  Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn: 

- TTXVN;

- Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 168;

- Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 189, 190.