Đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thống của Việt Nam, dần thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Nhiều phong trào truyền bá chữ quốc ngữ đã xuất hiện, trong đó, báo chí được coi là phương tiện quan trọng để phổ biến và hoàn thiện chữ quốc ngữ của Việt Nam.

* Truyền bá chữ quốc ngữ trong nhân dân
Năm 1865, “Gia Định báo”, tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên xuất bản ở Việt Nam, ra đời do học giả Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. Tờ “Courrier de Saigon” (Sài Gòn thư tín) số 7 ra ngày 5/4/1865, đăng lời giới thiệu về tờ “Gia Định báo” số đầu tiên như sau: “Trong tháng này sẽ ra số thứ nhất một tờ báo in bằng tiếng An Nam thông thường. Dưới hình thức thu hẹp ấn bản sẽ gồm các tin tức ở thuộc địa, giá cả nhiều loại hàng và một vài ý niệm hữu ích cho người bản xứ. Tờ báo sẽ ra hằng tháng và sẽ phát không trong các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được...”.
Ở thời điểm “Gia Định báo” ra đời, chữ quốc ngữ vẫn còn rất mới mẻ và “xa lạ” với nhiều người Việt Nam. Thậm chí, ngay cả những người sau này nổi tiếng là “rành quốc ngữ”, như học giả Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản cũng mới chỉ bắt đầu học chữ quốc ngữ. Vì vậy, ngay sau khi trở thành chủ biên, Trương Vĩnh Ký đã đặt ra ba mục tiêu cho tờ “Gia Định báo”. Đó là: truyền bá chữ quốc ngữ trong nhân dân, cổ động tân học trong nước và khuyến khích nhân dân học chữ quốc ngữ.
Đến cuối thế kỷ XIX, sau tờ “Gia Định báo”, một số tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ khác cũng ra đời. Mặc dù ở thời kỳ này, chữ quốc ngữ vẫn chưa phổ biến nhiều trong nước, nhưng báo chí lại trở thành mảnh đất tốt cho văn xuôi quốc ngữ ra đời và lớn dần.
Bước sang đầu thế kỷ XX, giới trí thức Việt Nam nhận thấy chữ quốc ngữ có mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá và báo chí. Chính sự phát triển của chữ quốc ngữ đã góp phần thúc đẩy văn hóa nghệ thuật và báo chí phát triển. Ngược lại, báo chí phát triển lại làm cho chữ quốc ngữ hoàn thiện và nhanh chóng phổ biến trong đời sống của nhân dân. Vì vậy, giới trí thức Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm mở rộng, phát triển báo chí viết bằng chữ quốc ngữ và xem báo chí là phương tiện hữu hiệu nhất để truyền tải chữ quốc ngữ đến với nhân dân lao động.
Học giả Phạm Quỳnh chủ bút “Nam Phong tạp chí” đã khẳng định sự cần thiết và lợi ích của chữ quốc ngữ đối với nhân dân: “Ngày nay, chữ quốc ngữ đã nghiễm nhiên thành chữ viết, văn tự chung của dân tộc Việt Nam. Học vừa dễ vừa mau, dùng vừa hay vừa tiện, thật là một cái lợi khí để truyền bá sự học trong quốc dân. Nay chúng ta được dùng cái chữ thần diệu đó…”.
Năm 1907, các nhà Duy Tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục sử dụng tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo”, sau này đổi thành “Đăng cổ tùng báo” in bằng hai thứ chữ: chữ Hán do học giả Đào Nguyên Phổ phụ trách và chữ quốc ngữ do học giả Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Ngay trong số đầu tiên, báo đã đăng tải bài “Người An Nam nên biết chữ An Nam” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, để tuyên truyền, cổ vũ việc học và sử dụng chữ quốc ngữ trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Tờ báo này nhanh chóng trở thành phương tiện truyền bá, cổ vũ và đưa chữ quốc ngữ đến với nhân dân.

* Xác lập vị trí chủ đạo của chữ quốc ngữ trong xã hội
Việc xác lập vị trí chủ đạo của chữ quốc ngữ trong xã hội và hoàn thiện chữ quốc ngữ của báo chí thực sự nở rộ khi tờ “Đông Dương tạp chí” (năm 1913) và “Nam Phong tạp chí” (năm 1917) ra đời. Hai tờ tạp chí này đều được xuất bản ở miền Bắc nên cách viết, cách sử dụng từ, sử dụng câu và cách phát âm có phần chuẩn hơn các tờ báo ở miền Nam. Cách viết tương đối thống nhất và hoàn chỉnh, dùng từ dễ hiểu, loại bỏ nhiều phương ngữ, góp phần không nhỏ vào quá trình hoàn thiện và phổ biến chữ quốc ngữ trên hai tờ tạp chí này.
Tờ “Đông Dương tạp chí” do học giả Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, mỗi tuần ra một số. Tạp chí còn có sự tham gia của những cây bút xuất sắc nhất về Tây học lúc bấy giờ (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn) và những cây bút xuất sắc về Nho học (Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục). Người có đóng góp lớn vào quá trình truyền bá, cổ vũ cho chữ quốc ngữ trên “Đông Dương tạp chí” là học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông và những cộng sự trong tạp chí Đông Dương nhận thấy chữ quốc ngữ là một “vũ khí” lợi hại, một phương tiện để mở mang dân trí, nâng cao dân khí và phục hưng nền văn hoá dân tộc. Chính vì vậy, trên “Đông Dương tạp chí” xuất hiện nhiều bài viết về cái hay, cái đẹp, lợi ích của chữ quốc ngữ so với chữ Hán, chữ Nôm, qua đó khuyến khích, cổ vũ nhân dân theo học.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh khuyên nhân dân ta học ngay lấy chữ quốc ngữ. Ông khẳng định, việc học chữ quốc ngữ ai có chí thì vài ngày, ngu đần một tháng cũng biết đọc, biết viết. Trong khi, việc học chữ Hán, chữ Nôm mất hàng nửa đời người, mà trăm người học không được một người hay, học được cũng chỉ ích lấy một mình.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhận thấy, một mình ông thực hiện truyền bá chữ quốc ngữ thì không thể mang lại nhiều thành công. Vì vậy, ông kêu gọi “những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước, phải chuyên vào nghề văn quốc ngữ” và đề xuất “nào báo quốc ngữ, nào sách học quốc ngữ, nào thơ quốc ngữ, nào văn chương quốc ngữ, án kỳ, hành trình, tiểu thuyết, nghị luận, tờ bồi việc quan, đơn từ kiện tụng, nên làm bằng toàn chữ quốc ngữ hết cả”.
Bên cạnh đó, “Đông Dương tạp chí” còn đưa ra vấn đề về cách dạy chữ quốc ngữ từ cách đánh vần, viết chính tả, cách phát âm, tư thế ngồi viết đến phân biệt cách phát âm giữa tiếng miền Nam với miền Bắc. Những bài luận bàn về chữ quốc ngữ trên “Đông Dương tạp chí”, tiếp tục góp phần tích cực trong tiến trình cổ vũ, phổ biến và xác lập vị trí chủ đạo của chữ quốc ngữ trong xã hội Việt Nam.

* Góp phần hoàn thiện chữ quốc ngữ
Việc truyền bá và góp phần hoàn thiện chữ quốc ngữ trên “Nam Phong tạp chí” là sự kế tiếp và phát triển mạnh mẽ hơn “Đông Dương tạp chí”. “Nam Phong tạp chí” đã kiên trì nghiên cứu cải tạo câu văn quốc ngữ, đưa thứ chữ mới sử dụng không lâu này có khả năng diễn đạt mọi khái niệm thâm thúy, cổ kim đông tây. Các tác giả trên Nam Phong tiếp tục nghiên cứu, biên soạn từ điển, dịch nhiều tác phẩm nước ngoài ra chữ quốc ngữ, nhất là mạnh dạn đề nghị việc sử dụng chữ quốc ngữ trong công văn giấy tờ và đưa chữ quốc ngữ vào giảng dạy trong trường học.
  “Nam Phong tạp chí” còn có công lớn trong việc xây dựng và hệ thống hoá, chuẩn hoá kho từ vựng, bổ sung các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật hiện đại bằng việc đăng tải nhiều nội dung bàn về các vấn đề liên quan đến chữ quốc ngữ, tiêu biểu như các bài: “Công văn phải dùng bằng chữ quốc ngữ”, “Quốc ngữ cổ”, “Khảo về chữ quốc ngữ”, “Quốc ngữ quốc văn”, “Phan Châu Trinh đối với chữ quốc ngữ” hay “Sự tiến hoá của tiếng An Nam”, “Tiếng An Nam có cần phải thống nhất không”, “Văn quốc ngữ”, “Văn chương quốc ngữ”, “Bảo tồn quốc ngữ”…
Và người có đóng góp nổi bật nhất trong việc truyền bá, cổ vũ và sử dụng chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm, để xây dựng một nền quốc văn cho đất nước trong “Nam Phong tạp chí” là học giả Phạm Quỳnh. Trước nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên sử dụng chữ Pháp làm quốc văn, làm văn tự chính thức cho dân tộc. Nhưng ông phân tích, lý giải cả chữ Hán và chữ Pháp, rồi đi đến kết luận, hai thứ chữ viết trên không thể dùng làm quốc văn, làm chữ viết chính thức cho dân tộc Việt Nam, vì “chữ Hán cũng như chữ Pháp, chỉ có một số người học làm một chuyên khoa, không thể cho quốc dân học làm quốc văn được”. Và ông khẳng định “chỉ duy còn có chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ nói sao viết vậy. Mà cách viết ấy học rất mau, chỉ sáu tháng một năm là biết được cả”. Ông xem chữ quốc ngữ là một thứ chữ “mầu nhiệm” cho nhân dân Việt Nam mở mang dân trí và tin rằng vận mệnh chữ quốc ngữ sẽ gắn chặt với tiếng Việt, với người Việt và quốc văn cũng nhờ đó mà mỗi ngày một tiến lên rực rỡ. Cuối cùng, ông khẳng định, chính chữ quốc ngữ là công cụ tuyệt diệu giải phóng trí tuệ và thâu thái các khoa học mới cho nhân dân Việt Nam.
Có thể thấy, qua các trang báo, chữ quốc ngữ mỗi ngày một lớn mạnh và trở thành thứ chữ viết duy nhất của người Việt trên toàn thế giới. Cũng qua các trang báo, nền văn học quốc ngữ đã hình thành và phát triển mạnh mẽ./.

Phương Nam (tổng hợp)