Hà Nội (TTXVN 2/2/2024) Bên cạnh điểm sáng về kinh tế như tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu nông sản… thì đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) cũng là một thành tựu góp phần tạo nên dấu ấn về phát triển kinh-tế-xã hội Việt Nam trong năm 2023.

 

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tặng quà Tết cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn huyện Phong Điền. Ảnh: TTXVN phát

Bảo đảm ASXH là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta đã coi nhiệm vụ diệt “giặc đói”, “giặc dốt” như diệt giặc ngoại xâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có mong ước: nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn khẳng định: tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội… Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, ASXH, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm…

Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã nhận thức ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn về tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là ASXH, phúc lợi xã hội, bảo đảm toàn diện quyền con người. Trên cơ sở hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện (Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)…), Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách xã hội, qua đó đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về đảm bảo ASXH.

Đặc biệt, năm 2023, bên cạnh những điểm sáng về kinh tế, thì đảm bảo ASXH cũng là một thành tựu tạo nên dấu ấn về phát triển kinh-tế-xã hội Việt Nam.

- Lĩnh vực lao động, việc làm có nhiều khởi sắc

Báo cáo tổng kết về lĩnh vực lao động, việc làm năm 2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã "giảm nhiệt" trong các tháng cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Năm 2023, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn khoảng 2,76%.

Bên cạnh đó, kết nối cung-cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm.

- Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều còn khoảng 2,93%

Trong nhiều năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Việt Nam triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo đa chiều và khắc phục nguy cơ tái nghèo, nhất là đối với các huyện, xã nghèo, ở khu vực biên giới, biển, đảo có nhiều khó khăn; thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Đồng thời, tiến hành điều chỉnh chuẩn nghèo theo từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhờ đó, tình trạng nghèo đói ở tất cả các vùng miền trên cả nước đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã hoàn thành, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều còn khoảng 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).

- Diện bao phủ BHXH, BHYT tiếp tục tăng

Trong năm 2023, diện bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục tăng, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững. Cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi; 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 93,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết: gần 95,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022). Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết hơn 1 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số chi các quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên đến trên 439,27 nghìn tỷ đồng.

- Bảo đảm ASXH ở khía cạnh y tế, giáo dục

Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa an sinh đối với đời sống cộng đồng, góp phần thực hiện bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội. Năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT với 55 triệu người khám, chữa bệnh, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022; số chi khám, chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, với hệ thống dịch vụ y tế ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Về giáo dục, mạng lưới các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng quy mô; số lượng học sinh được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và dự bị đại học tăng. Các chương trình, chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được triển khai hiệu quả.

- Chính sách ưu đãi người có công, hỗ trợ người yếu thế ngày càng toàn diện

Chính sách ưu đãi người có công, hỗ trợ người yếu thế được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ngày càng toàn diện hơn. Trong năm 2023, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho trên 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho trên 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng; trợ cấp hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn. Các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cũng được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, hàng năm vào dịp Tết đến xuân về, công tác chăm lo cho người lao động, các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tổng số người có công với cách mạng được tặng quà của Chủ tịch nước là gần 1,47 triệu người với tổng giá trị là hơn 449 tỷ đồng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức thăm hỏi người lao động của 63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn lực khoảng trên 7.000 tỷ đồng (lớn nhất từ trước đến nay). Các địa phương cũng tổ chức triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người lao động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng… Nhờ đó, người dân được đón một cái Tết đầm ấm, an vui./.

Minh Duyên