Hà Nội (TTXVN 08/07/2023) Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, thế giới liên tiếp ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục, phản ánh tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do khí nhà kính tạo ra từ các hoạt động của con người.

* Mức nhiệt cao kỷ lục

Ngày 6/7/2023 là ngày thứ ba liên tiếp nhiệt độ trung bình của Trái đất duy trì ở mức cao kỷ lục - 17,18 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất kể từ ngày 24/7/2022, thời điểm nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 16,92 độ C. Đây cũng là dấu hiệu mới cho thấy tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trước đó, Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay. Theo đó nhiệt độ trung bình trên thế giới cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020 và vượt mức kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 6/2019. Nhiệt độ tháng 6/2023 đã đạt kỷ lục ở khắp khu vực Tây Âu và Bắc Âu, trong khi một số vùng của Canada, Mỹ, Mexico, châu Á và miền Đông Australia "ấm hơn đáng kể so với bình thường".
Nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2023. Nhiệt độ được dự báo sẽ tăng cao hơn mức trung bình lịch sử vào năm tới khi xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã xác nhận rằng El Nino đang xảy ra. Bên cạnh đó, hoạt động của con người, trong đó chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch, đang tiếp tục tạo ra khoảng 40 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 mỗi năm.
El Nino là kiểu khí hậu xảy ra trong tự nhiên liên quan đến sự nóng lên của bề mặt đại dương ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương. El Nino xảy ra trung bình trong khoảng từ 2 đến 7 năm và thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng. Hiện tượng này có liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, từ lượng mưa lớn ở Nam Mỹ đến hạn hán ở Australia và một phần của châu Á. 
Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang trải qua giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt, giới khoa học về khí hậu cảnh báo tình trạng nhiệt độ toàn cầu liên tục “lập kỷ lục tăng” là “bản án tử hình với nhân loại và hệ sinh thái". Sự bất thường của thời tiết hiện nay chỉ là khởi đầu cho một loạt kỷ lục (nắng nóng) mới trong năm 2023.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) khẳng định “gần như chắc chắn” rằng kỷ lục nhiệt độ toàn cầu sẽ bị phá vỡ trong 5 năm tới. Để giảm thiểu tác động của khủng hoảng khí hậu, WMO ủng hộ ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng Amazon, hai vấn đề làm tăng CO2 trong khí quyển, một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

* Hệ lụy lớn nếu không hành động

Liên hợp quốc cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống của họ.
Các số liệu chính thức của LHQ cho biết trong năm 2021, hơn 828 triệu người trên thế giới phải hứng chịu nạn đói. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa. Các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, tan băng hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại. Nhiều ý kiến nhận định theo kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất, gần 3 tỷ người (chiếm khoảng 30% dân số thế giới) sẽ trở thành người di cư vì biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ này. Thậm chí ngay cả với kịch bản tốt nhất, vẫn sẽ có 10% người phải di cư do thời tiết khắc nghiệt.
Nhấn mạnh giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, LHQ đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ mai sau. Theo LHQ, nhân loại hiện có trong tay những công nghệ tân tiến và tối ưu nên hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi thực trạng biến đổi khí hậu này. Bên cạnh đó, LHQ kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch khi ngành công nghiệp này đang góp phần khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng cần đưa ra các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng để bảo vệ môi trường sống. Các chuyên gia khí hậu thì đánh giá rằng nỗ lực của các quốc gia nhằm đạt được mức trung hòa carbon sẽ giúp tránh được kịch bản tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu. Các nước ký hiệp định đã nhất trí hợp tác để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình thế giới là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo Ủy ban khí hậu của LHQ (IPCC), với các xu hướng chính sách hiện tại, nhiều khả năng mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này sẽ vào khoảng 2,8 độ C. Trung hòa carbon là một trong những điều kiện để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ và các nước thành viên EU dự định đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, Nga và Trung Quốc dự kiến vào năm 2060, Ấn Độ vào năm 2070.

Minh Trà (Tổng hợp)