Bộ đội Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.
Ngày 19/3/1967, giữa lúc đất nước ta đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Binh chủng Đặc công ra đời. Nhưng từ trước đó, "cách đánh đặc công" đã xuất hiện ở chiến trường Nam Bộ, và được chú trọng nghiên cứu phát triển, không ngừng hoàn thiện cách đánh lợi hại, độc đáo này, và trở thành cách đánh không thể thiếu được của lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi được thành lập, Bộ đội đặc công trực tiếp tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch lớn như: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971... Đặc biệt, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, bộ đội đặc công vinh dự được giao đánh trận mở màn trong Chiến dịch Tây Nguyên (đánh vào sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế)... Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội đặc công được giao đánh chiếm, chốt giữ 14 cây cầu huyết mạch và các cứ điểm trọng yếu của địch án ngữ trước cửa ngõ Sài Gòn như: Bắn phá, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng nha Cảnh sát, chia cắt sông Lòng Tàu…
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với 9 tiểu đoàn lúc mới thành lập; đến nay, đặc công Việt Nam đã trở thành một binh chủng lớn mạnh về nhiều mặt và luôn luôn là binh chủng đặc biệt của những người chiến sĩ đặc biệt. Bộ đội đặc công đã 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và 16 chữ vàng truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”.