Hà Nội (TTXVN 20/08/2018) Gần 17 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân, trong đó có 15 ở Côn Đảo, phải chịu đủ cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, song đồng chí Tôn Đức Thắng luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Đồng chí cũng là một trong những người thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo làm hạt nhân lãnh đạo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

* Biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản

Năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và kết án 20 năm tù khổ sai. Đêm 3/7/1930 trên con tàu Hardmand Rousseaus, đồng chí bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo và bị giam ở banh I - nơi giam giữ tù cộng sản bị kết án khổ sai cùng một số tù thường phạm.

“Chúa ngục” bấy giờ là Bouvier, khét tiếng gian ác. Dưới sự chỉ huy của Bouvier, quản ngục, hằng ngày tra tấn, hành hạ tù nhân không kể ngày đêm. Chỉ tính riêng trong năm 1930, nhất là sau cơn bão lớn cuối năm, nghĩa địa Hàng Dương đã vùi xác 311 tù nhân.

Năm 1932, số người bị giam giữ ở Côn Đảo tăng lên trên 2.000 người, phần lớn là những đảng viên Đảng Cộng sản bị địch bắt giữ trong Cao trào 1930-1931. Trước yêu cầu tiếp tục hoạt động của những đảng viên cộng sản, Chi bộ nhà tù Côn Đảo được thành lập tại banh I năm 1932, trong đó nhờ có sự hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Hới, Tống Văn Trân, Tạ Uyên… và đồng chí Tôn Đức Thắng.

Cuối năm 1932, đồng chí Tôn Đức Thắng bị chúng phạt giam ở hầm xay lúa. Xay lúa là một công việc quen thuộc với nông dân Việt Nam. Nhưng tại nơi đây, chúa ngục Côn Đảo đã biến nó thành một hình phạt khắc nghiệt đối với tù nhân. Tù nhân chịu hình phạt này thì chỉ hai, ba tháng là kiệt sức, đau mắt và mang bệnh lao phổi. Bởi vậy nên hầm xay lúa được mệnh danh là "nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục". Vào thời kỳ này, thực dân Pháp chọn những tên lưu manh “loại anh chị” làm “cặp rằng” (caporal: cai tù) để tiếp tay cho chúng áp bức bóc lột tù nhân. Bọn này tập hợp lũ đàn em, toàn những tay "dao búa" sử dụng "luật giang hồ" bắt tù nhân trong kíp phải phục tùng theo lệnh chúng. Trong khám, chỗ nào thoáng mát chúng nằm, có miếng ăn tươi chúng giành, công việc nặng nhọc chúng bắt người khác làm. Cặp rằng ở Hầm xay lúa lại còn dữ dằn hơn các chỗ khác.

Sau khi một cặp rằng ở hầm xay lúa bị tù nhân khác giết chết, chúa ngục chỉ định đồn chí Tôn Đức Thắng làm cặp rằng, với âm mưu muốn dùng những tay tù anh chị trong hầm xay lúa sát hại đồng chí.

Song, trái với mong muốn của giặc là dùng tù nhân anh chị để sát hại người cộng sản kiên trung Tôn Đức Thắng, khi bị ép làm cặp rằng trong hầm xay lúa, đồng chí Tôn Đức Thắng đã làm nên một điều kỳ diệu. Không chỉ phân công lại công việc cho hợp lý, đồng thời tổ chức học chữ, học văn hóa cho tù nhân, đồng chí cùng những đồng chí khác đã giáo dục, cảm hóa, truyền bá tư tưởng, kêu gọi tinh thần đoàn kết của anh em tù cùng tham gia hoạt động cách mạng.

* Biến “nơi hầm tối” thành “nơi sáng nhất”

Với đồng chí Tôn Đức Thắng, lần đầu tiên, những công việc ở hầm xay lúa được tổ chức lại. Tất cả mọi người đều làm việc, kể cả cặp rằng. Người khoẻ thì đứng cối xay lúa, vác thóc; người yếu hơn thì sàng xảy, đóng bao, chuyển gạo, quét trấu. Kíp đứng cối nặng nhọc nhất được bố trí thêm người, có thể thay nhau người làm người nghỉ để lấy sức.

Dưới sự chỉ đạo của người cộng sản Tôn Đức Thắng, lần đầu tiên trong hầm xay lúa điều kiện làm việc, sinh hoạt được cải thiện rõ rệt. Số lượng lúa xay khoán hàng ngày được giảm bớt; buổi trưa được nghỉ ngơi... Hội cứu tế tù nhân được tổ chức ngay trong hầm xay lúa. Nhờ đó, những người ốm đau được chăm sóc. Buổi trưa khi bọn gác ngục nghỉ, hội tù tổ chức xúc gạo nấu ăn thêm để bảo đảm sức khỏe. Buổi tối tổ chức học văn hóa, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước.

Với lòng yêu nước nồng nàn, bằng trí tuệ và phương pháp của người cộng sản, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cảm hóa được những người tù kể cả những tù nhân mà cai ngục Pháp cho là bất trị; đồng thời giác ngộ, khơi dậy trong người tù lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh.

Hầm xay lúa không còn là nỗi kinh hoàng đối với người tù như trước. Không khí đoàn kết, học tập và giúp đỡ lẫn nhau dần dần thay thế cho sự thù hằn, chia rẽ. Những tù nhân anh chị không còn hung hăng mà trở nên hiền lành; nhiều người giác ngộ cách mạng, sau này về tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp…

Mô hình mà người cộng sản Tôn Đức Thắng thực hiện ở hầm xay lúa đã được chi bộ nhà tù nhân rộng. Theo chủ trương của Chi bộ, tù chính trị các khám tổ chức lực lượng lật đổ chế độ cặp rằng lưu manh. Đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm cặp rằng khám Chỉ tồn (Sở lao động khổ sai làm các công việc nặng nhọc nhưng không cố định); đồng chí Phạm Hùng làm cặp rằng kíp lấy san hô, đồng chí Đào Gia Lựu làm cặp rằng kíp nhà bếp... Đó chính là bước khởi đầu cho việc đoàn kết tập hợp lực lượng, tổ chức tù nhân thành đội ngũ chuẩn bị cho một cao trào đấu tranh cải biến chế độ nhà tù trong những năm tiếp theo. 

Có thể thấy, không chỉ thích nghi với mọi hoàn cảnh mà hơn thế nữa, người cộng sản Tôn Đức Thắng còn cải tạo hoàn cảnh theo những khả năng tốt nhất có thể có của mình. “Chất ngọc” của người cộng sản Tôn Đức Thắng đã tỏa sáng trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của hầm xay lúa cũng như giữa lao tù Côn Đảo./. 

Minh Duyên (tổng hợp)