Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu (ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945); được hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm: chiếu, khải, chỉ, tấu, quốc thư... Khối tài liệu này phản ánh mọi lĩnh vực của xã hội dưới triều Nguyễn từ chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao đến văn hóa, giáo dục...
Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu độc bản, không thể thay thế, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước. Đặc biệt, trong số Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được, có 19 tờ Châu bản thể hiện rõ việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều Nguyễn.
Châu bản triều Nguyễn còn là nguồn sử liệu gốc để biên soạn các bộ chính sử dưới triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục chính biên,” “Đại Nam nhất thống chí,” “Quốc triều chính biên toát yếu”…
Với những giá trị đặc biệt đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về nội dung và hình thức, tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng quốc tế, vừa qua, Châu bản triều Nguyễn được Ủy ban UNESCO Chương trình Ký ức thế giới công nhận là một trong 78 Di sản tư liệu thế giới năm 2017. Đây là lần thứ hai Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận và ở tầm mức cao nhất.
Trước đó, năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.