Sau thất bại Xuân - Hè 1969 trên địa bàn tỉnh Phước Long, Bình Long, địch tăng cường lực lượng chốt giữ các địa bàn xung quanh các thị trấn, thị xã, các trục đường giao thông quan trọng nhằm ngăn cản vận chuyển tiếp tế của ta, truy quét các cơ sở cách mạng, củng cố bộ máy kìm kẹp và xây dựng Quân đội Sài Gòn mạnh lên để sẵn sàng thay thế quân Mĩ rút đi. Về phía ta, tuy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về quân số, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm nhưng các đơn vị vẫn giữ được thế chủ động trên chiến trường; mở được các đợt hoạt động quân sự theo kế hoạch (trong đợt hoạt động Xuân - Hè 1969, Sư đoàn 7 đánh địch ở Dầu Tiếng, An Lộc); tiếp tục phát triển đánh địch ở Lộc Ninh; đồng thời các đơn vị thay nhau huấn luyện, củng cố tổ chức và chiến đấu, liên tục tạo thế diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, trang bị và phương tiện chiến tranh của địch; giữ vững các địa bàn quan trọng; tích cực vận chuyển đạn, gạo chuẩn bị cho hoạt động mùa khô.
Căn cứ vào tình hình địch, ta và nhiệm vụ trên giao, Bộ chỉ huy Miền (B2) quyết định mở Chiến dịch Bình Phước-Bù Đốp, đánh phá giao thông trên các tuyến quốc lộ 13 và quốc lộ 14, chặn đánh tiếp tế đường bộ của địch; phối hợp với các lực lượng đánh phá bình định, diệt ác phá kìm ở khu vực Bù Đốp, Phước Bình, Bổ Túc, Lộc Ninh. Chiến dịch do Bộ chỉ huy Miền trực tiếp tổ chức, chỉ đạo; Bộ chỉ huy Sư đoàn 7 trực tiếp chỉ huy (Chỉ huy trưởng, Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy). Địa bàn chiến dịch diễn ra ở các địa phương thuộc hai tỉnh Phước Long và Bình Long; đây là địa bàn thuộc tuyến vành đai nằm ở bắc, đông bắc Sài Gòn. Lực lượng ta tham gia chiến dịch có Sư đoàn 7 (3 trung đoàn 209, 165, 141), 1 trung đoàn pháo binh Miền, Tiểu đoàn Đặc công 28, Tiểu đoàn Công binh 64. Lực lượng địch trong khu vực gồm: quân Mĩ có 2 trung đoàn bộ binh cơ giới, 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Kị binh bay 1, Trung đoàn Xe tăng thiết giáp 11 và 3 đại đội thiết giáp; lực lượng Quân đội Sài Gòn có 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn biệt kích, 12 đại đội bảo an, dân vệ, 24 pháo 105 mm và 155 mm.
Ngày 3.11.1969, Chiến dịch Bình Phước-Bù Đốp chính thức mở màn. Hai trung đoàn 209 và 165 tiến hành các trận đánh địch trên địa bàn, đồng thời tổ chức bao vây địch ở Bù Đốp, linh hoạt sử dụng lực lượng (khi cấp trung đoàn, lúc cấp đại đội, trung đội) liên tục tiến công, nhằm kéo địch ra khỏi công sự, đồn bốt để tiêu diệt, kết hợp với đánh địch vận động dã ngoại. Được Trung đoàn Pháo binh Miền phối hợp yểm trợ kịp thời và hiệu quả, Tiểu đoàn Đặc công 28 tập kích cụm quân địch đóng ở núi Cậu, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội quân Mĩ; Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 165) vận động tập kích cụm xe Mĩ ở Thị Tính, đánh thiệt hại 1 chi đoàn thuộc Trung đoàn Thiết giáp 11 của Mĩ. Trung đoàn 141 vận động tập kích địch ở điểm cao 244, diệt hàng trăm quân địch; tiếp đó Tiểu đoàn Công binh 94 dùng mìn phục kích đánh xe tăng trên quốc lộ 14, diệt hàng chục xe quân sự. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, Trung đoàn Pháo binh Miền đã phối hợp với các đơn vị bộ binh, đặc công tập kích địch ở Bù Đốp, núi Cậu, Thị Tính, điểm cao 244, đồng thời kiềm chế pháo địch, chi viện cho lực lượng xung kích tiến công các mục tiêu địch trong khu vực.
Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến dịch là phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn chiến dịch, vận dụng nhiều cách đánh phù hợp với từng lực lượng, tác chiến liên tục rộng khắp, đánh địch vận động dã ngoại là chủ yếu bằng các hình thức phục kích, tập kích, phát huy cách đánh độc lập của các binh chủng, ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần củng cố, xây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn chiến dịch. Trong toàn bộ chiến dịch, các đơn vị đánh 242 trận, trong đó 18 trận tập kích, 15 trận phục kích, còn lại là các trận độc lập của các binh chủng ở cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn và cấp đại đội; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1 nghìn quân địch, bắn cháy và phá huỷ 112 máy bay trực thăng, 103 xe quân sự (trong đó có 96 xe tăng M41, M48 và xe thiết giáp MI 13), 29 pháo (4 khẩu 155 mm), 14 kho (4 kho đạn và 4 kho xăng dầu), thu 38 súng và quân trang, quân dụng.
Chiến dịch Bình Phước-Bù Đốp thắng lợi đã góp phần đánh bại chiến lược phòng ngự và âm mưu bình định, lấn chiếm của địch, tạo điều kiện phát triển cơ sở cách mạng, lực lượng vũ trang và chuẩn bị cho tác chiến mùa khô 1969-70 của ta trên chiến trường.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)