- Ngày 7/6/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Đặt kế hoạch tác chiến” (ký tên Q.Th) đăng báo Cứu Quốc, số 260. 

Người lược dịch phương pháp dùng binh của Tôn Tử và bổ sung thêm cho phù hợp với điều kiện chiến tranh mới, từ việc đặt ra kế hoạch cho đến đường lối chiến lược, chiến thuật. Về chiến lược, chiến thuật, Người đã chỉ ra 12 điểm chủ yếu và bí quyết của các nhà quân sự. “Nhưng trong việc quân, những việc bất trắc thực là thiên biến vạn hóa và thường xảy ra luôn luôn. Phải biết tùy cơ ứng biến, không thể bắt chước mà bảo được. Chiến thuật cốt yếu để được thắng lợi là phải áp dụng thuật giả trá và tuyệt đối giữ bí mật”.

- Ngày 7/6/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố sau khi thực dân Pháp lập “Chính phủ bù nhìn” tại Hà Nội.
Tuyên bố nêu rõ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam “sẽ không thừa nhận những giấy tờ gì do bọn bù nhìn ấy ký kết với bất cứ nước nào” và “sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy”.

- Ngày 7/6/1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Từ Biên giới đến Điện Biên Phủ”, bút danh Đ.X., đăng báo Cứu Quốc, số 2613.
Bài báo đánh giá cao những thắng lợi của quân đội ta từ Chiến thắng Biên giới (tháng 10/1950) đến Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/1954). Trận Biên giới đã làm cho cả nước Pháp xôn xao, còn trận Điện Biên Phủ đã làm cho cả thế giới xôn xao.
Những thắng lợi của ta đã làm cho binh lính Pháp chán nản, hoang mang, nội bộ Pháp-Mỹ lục đục, tướng Nava bị cách chức. 
Bài báo cũng lưu ý chúng ta không được chủ quan khinh địch, tiếp tục vượt qua những khó khăn mới, nhiều Điện Biên Phủ mới đang chờ đợi chúng ta.

- Ngày 7/6/1955: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Phát triển Đảng ở nông thôn trong phát động quần chúng”, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 461.
Trong bài, Người nêu lên tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng ở nông thôn trong cải cách ruộng đất. Người viết: “Chi bộ mạnh hay yếu, công tác chi bộ tốt hay là xấu, ảnh hưởng rất lớn đến việc cải tạo nông thôn.
Vì vậy, chỉnh đốn chi bộ là một việc quan trọng bậc nhất trong phong trào cải cách ruộng đất: loại những phần tử xấu ra, đưa những phần tử tốt vào để thêm lực lượng mới cho Đảng”. Người chỉ rõ những nội dung cần xem xét trước khi kết nạp đảng viên mới. Công tác phát triển Đảng phải được tiến hành thật chu đáo, phải theo đúng những quy định của Trung ương và đồng thời với việc phát triển Đảng phải chú ý công tác bồi dưỡng, giáo dục đảng viên mới thường xuyên, liên tục.

- Ngày 7/6/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Vì sao đế quốc Mỹ thích chiến tranh, sợ hoà bình”, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 825.
Người chỉ rõ: Việc sản xuất vũ khí và đồ dùng quân sự là nguồn làm giàu cho các công ty độc quyền, trong đó có giới quân sự Mỹ.
Bài báo kết thúc bằng một đoạn trích ở báo Nation: “Có tuyên truyền chiến tranh, có chạy đua binh bị thì bọn tài phiệt và quân phiệt mới có thể làm giàu. Vì vậy, chúng thích chiến tranh và chúng sợ hoà bình”.

- Ngày 7/6/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội sản xuất của tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Người nêu rõ tầm quan trọng của việc củng cố và phát triển hợp tác xã; căn dặn phải ra sức thực hiện khẩu hiệu: “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã”; phải coi trọng đúng mức tổ đổi công, xã viên phải đoàn kết thương yêu nhau và nhắc nhở các hợp tác xã, tổ đổi công và xã viên phải làm tốt những công việc trước mắt: thủy lợi, phân bón, cải tiến nông cụ, chọn gống và gieo mạ cho kịp thời vụ.

- Ngày 7/6/1968: Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số cán bộ đến làm việc để bàn cách làm và xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt”.
Trước khi trao đổi nội dung cụ thể, Người nói: “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa”. 
Nói về tầm quan trọng của loại sách này, Người chỉ rõ: “Những chiến công và thành tích nổi bật thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi nhưng ích nước lợi dân thì hay bị xem thường. Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao giọt nước nhỏ hợp lại thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc... 
Người nói tiếp: Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được... Coi chừng có nhiều người Việt Nam không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình”./.

Nguồn: TTXVN; sách: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, 2008, 2009].