“Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”, chỉ vỏn vẹn 12 từ mà hàm ý vô cùng sâu xa. Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam với các nhà báo cách mạng. Tinh thần báo chí, thái độ với báo chí, cách làm báo và cả cách đọc báo của Bác luôn như một lời nhắc nhở đối với những người làm báo hôm nay. * Những bài học lớn

Ngoài là một lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà báo tài ba, uyên bác và có tay nghề xuất sắc. Bác sử dụng ngòi bút tinh luyện, xuất chúng của mình như một vũ khí sắc bén, trở thành “đòn xoay chế độ”, vì Bác quan niệm rằng “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”.

Từng viết báo, quản lý báo chí, đào tạo nhiều người viết báo nên sau này, “cẩm nang” mà Bác đặt ra cho các nhà báo Việt Nam rất cụ thể, rõ ràng, sâu sắc và ngắn gọn.

“Viết cho ai?” - tức là đối tượng chính nào sẽ đọc bài báo của mình viết ra? Trong tư duy của Bác, đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó mà nhất thiết phải hướng về “đại đa số dân chúng”. Tính chất báo chí, theo Bác, chính là tinh thần quần chúng và tính chiến đấu...”.

Năm 1966-1967, khi sưu tầm tư liệu để hoàn thành cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Jean Lacouture - một nhà báo, nhà văn nhà sử học lớn người Pháp đã thốt lên: “Sự đóng góp của Nguyễn Ái Quốc cho tờ Le Paria rất to lớn, ngày nay đọc lại những bài báo của ông vẫn thấy vô cùng hứng thú. Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba…”. Thậm chí, ngay từ bài đăng báo đầu tiên “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919, Bác đã chuyển thành văn vần theo thể lục bát để chuyển về trong nước cho đồng bào đọc dễ thuộc, dễ nhớ. Đó là bài “Việt Nam yêu cầu ca”.

“Viết để làm gì?” - Vì suốt cuộc đời tập trung làm cách mạng, nên tính mục đích “viết để làm gì” của Bác rất rõ. Ngày 16-4-1959, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Người đã nêu rõ mục đích viết báo của mình: “Về nội dung viết, các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó” (1). Ngay số ra mắt, báo Người cùng khổ mà Bác là chủ bút cũng nêu rõ mục đích là “Giải phóng con người” ở các thuộc địa.

“Viết như thế nào?” - Bác dạy: “Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. (2)
Là người uyên bác, viết báo nổi tiếng, vậy mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi được Bác giao nhiệm vụ viết bài cho báo Việt Nam độc lập (số 1 ra ngày 1-8-1941) vẫn bị Bác “chê”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: “Tôi đã cố gắng viết thật ngắn, gọn, giản đơn, dễ hiểu, vậy mà trình Bác xem, Bác vẫn bảo: “Gì mà chú nói lòng thòng, rắc rối thế. Xén bớt đi, gọn hơn nữa, chữ nào khó hiểu thì tìm chữ khác”.

Bác còn dạy: “Viết rồi phải đọc đi đọc lại...sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông binh đọc lại... họ nói ra cho thì phải sửa lại” (3).

* Phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Viết ngắn gọn, súc tích

Bác viết báo với nội dung không cao siêu, không chung chung, mà đi thẳng vào vấn đề. Đề tài mà Người chọn viết luôn nhằm vào mục tiêu đã định; chính vì vậy rất ngắn gọn, súc tích. Điển hình là, trong cuốn Đường kách mệnh, Hồ Chí Minh viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”. Đây có thể coi là một dạng “tuyên ngôn” về phong cách viết của Bác cho suốt cả cuộc đời viết báo của Người sau này.

Thể hiện rõ nét phong cách này là bản Tuyên ngôn Độc lập. Chỉ gói gọn trong 1.003 chữ, Tuyên ngôn Độc lập đã hội tụ đầy đủ bối cảnh lịch sử, nguyên nhân, thời cơ cho việc hình thành một nhà nước mới - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn sinh khí của cả một dân tộc được hồi sinh và thăng hoa thông qua những lời văn súc tích của Bác. Miêu tả về thời cơ, nguyên nhân mà nhân dân ta giành được chính quyền, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa, Bác chỉ “gói” vào trong 9 chữ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”...

Phong cách viết ngắn gọn, súc tích của Bác còn được thể hiện rõ khi Người viết: Chánh cương vắn tắt của Đảng, với 276 chữ; Sách lược vắn tắt của Đảng, 253 chữ; Chương trình tóm tắt của Đảng, 178 chữ; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, 603 chữ, nhưng lại đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chí làm thành cương lĩnh của một đảng chính trị trong Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930...

- Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết

Trong viết báo, Bác rất chú trọng chuyển tải đúng và chuyển tải đủ những thông tin cơ bản cần thiết đến cho người đọc. Đây cũng là một phong cách ấn tượng của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh.

Bác thường sử dụng các con số thống kê. Khi giữ trọng trách Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, công việc hằng ngày rất bận, vậy mà hằng ngày Bác vẫn thu thập tin tức từ các báo đài ở cả trong và ngoài nước, từ đọc sách, từ nghe và đọc các báo cáo của các cấp, các ngành. Bao giờ Bác cũng thẩm tra lại những tin tức, những con số cho chính xác. Những bài báo của Bác tuy ngắn, nhưng những câu viết hàm chứa những nhận định, thông tin có chiều sâu, đầy đủ, có nguồn tin cậy.

Những bài báo của Bác đưa lại thông tin cho người đọc một cách hữu hiệu, vì luôn chú ý tuân thủ tính mục đích, cho nên Người đưa tin có trọng tâm, trọng điểm; tin gì cần viết kỹ, tin gì chỉ viết qua, để tránh tình trạng thông tin chính không tập trung viết mà lại sa vào những tiểu tiết không quan trọng.

- Viết hay, hấp dẫn người đọc

Theo Bác điều hấp dẫn của một bài báo không phải là dùng những từ ngữ cho “kêu”, cho “oai”, cho “bóng bẩy” mà là dùng những từ ngữ chính xác, lột tả được bản chất của vấn đề; có khi còn dùng cả lối chơi chữ, ẩn dụ, trào lộng, dí dỏm làm cho người đọc dễ có ấn tượng.

Bác hay phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài”, cứ nói và viết “tràng giang đại hải”, “thao thao bất tuyệt”, dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe, người xem, không quan tâm họ có hiểu hay không. Là một vị lãnh tụ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lắng nghe nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân. Người sử dụng ca dao, tục ngữ ngay cả trong những bài báo có tính chính luận. Người diễn giải những vấn đề về lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác-Lênin một cách rõ ràng, dễ hiểu, không rườm rà.

Viết cả nghìn bài báo, mỗi bài viết của Bác đều có sự hấp dẫn riêng. Những lời kêu gọi thì toát lên hừng hực khí thế, quyết tâm; lời chúc Tết thì chứa chan cảm xúc; những bài văn chính luận hào sảng; những bức thư gửi cho các ngành, các giới, các em học sinh, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng đầy tình cảm thân thương... Viết về bọn thực dân đế quốc thì khảng khái, cương trực, ý tứ mai mỉa mà thâm thúy sâu cay. Trong bài “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười” (Báo Nhân dân số 4292, ngày 4-1-1966), Bác viết: Từ ngày bắt đầu xâm lược miền Nam nước ta, giặc Mỹ luôn khoe khoang “thắng lợi”. Nhưng “thúng không úp được voi”. Thế giới đều biết rằng 4 phần 5 đất đai và 2 phần 3 nhân dân miền Nam đã được giải phóng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mặt nạ ra ma là trạng nói láo. Mùa đông năm 1963, y nói: Cuối năm 1965, miền Nam sẽ “bình định” xong và lính Mỹ sẽ được về nước. Song, cuối năm 1965, chẳng những lính Mỹ cũ không được về nước mẹ, mà số lính Mỹ mới chở đến miền Nam đã tăng gấp mười mấy lần”… (4)

Trong hơn 50 năm làm báo cách mạng, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại, với các bút danh khác nhau nhưng đều nhất quán tư tưởng cách mạng, yêu nước, thương dân, đạo đức cao cả và được thể hiện qua ngôn ngữ giản dị, phong cách viết đa dạng, hấp dẫn, có sức lay động và luôn hướng tới “chân-thiện-mỹ”.

Với tất cả những gì Bác đã để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay, có thể khẳng định rằng, viết báo theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết một cách dung dị, dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề cụ thể, thiết thực của cuộc sống, của đất nước bằng ngôn ngữ Việt trong sáng và tinh tế nhất. Làm báo theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thực hiện nhiệm vụ của một người chiến sĩ cách mạng, là tu dưỡng, rèn luyện tính chiến đấu, thái độ trung thực, tấm lòng trong sáng, vì dân, vì nước./.

Minh Duyên (tổng hợp)
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 171
(2), (3): Sđd, t.8, tr. 209, 207, 208
(4): Sđd, t.15, tr. 8