Hà Nội (TTXVN 23/2/2024) Ngày 24/2/2024 đánh dấu tròn hai năm diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine - cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu sẽ đi đến hồi kết khi cả hai bên đều muốn đạt được mục tiêu của mình và không chịu thỏa hiệp. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt, cuộc xung đột còn kéo theo các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và Mỹ/phương Tây, tác động nghiêm trọng tới cục diện thế giới. * Bất phân thắng bại
Xung đột ở Ukraine đã tác động lớn đến cục diện địa chính trị trên thế giới. Ảnh: Reuters

Xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022 khi Nga thông báo triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân tại Donetsk và Luhansk tại Donbass, miền Đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng ở miền Đông Ukraine. Cũng trong ngày 24/2/2022, Ukraine ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

Theo giới quan sát, tình hình trên chiến trường vẫn bất phân thắng bại, với việc cả Nga và Ukraine đều chưa có bước ngoặt đột phá làm thay đổi diễn biến xung đột. Cả hai bên đều phải hứng chịu nhiều tổn thất.

Cuộc xung đột tiếp diễn không chỉ liên quan đến vấn đề nhân lực mà còn về vũ khí. Nga đang tăng cường sản xuất và mua máy bay không người lái (UAV), đạn pháo và tên lửa từ các đối tác. Trong khi đó, Ukraine lại phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính từ Mỹ và châu Âu.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, ngày 22/2/2024 đã kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ bổ sung cho Kiev, trong bối cảnh các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang trì hoãn việc phê duyệt khoản viện trợ mới trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine. Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Kiev. Tuy nhiên, nguồn tài trợ hiện tại đã cạn kiệt và các Hạ viện Mỹ đang trì hoãn những khoản hỗ trợ mới.

Cùng ngày 22/2/2024, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu liên quan đến Nga. Các biện pháp trừng phạt này sẽ do cả Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao áp đặt và đây sẽ là “gói trừng phạt lớn nhất” kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine. Đến nay, Washington và các đồng minh đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhắm vào tổ hợp công nghiệp quân sự và thu ngân sách của Moskva. Trong số các biện pháp này có việc áp mức giá trần nhằm giảm thu nhập từ xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga. Nền kinh tế Nga đã thể hiện tốt ngoài dự đoán khi vào tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga có mức tăng trưởng GDP 2,6% cho năm 2024 - tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính tháng 10/2023. Trước đó, kinh tế Nga đạt mức tăng trưởng vững chắc 3% vào năm 2023.

* Chưa có tia sáng về một giải pháp hòa bình

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) trong cuộc gặp phái đoàn Nga (trái) và Ukraine (phải) tại thành phố Istanbul, ngày 29/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đến nay vẫn được xem là là sự kiện chấn động nhất, tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất đến toàn bộ đời sống quốc tế đương đại, gây ra những tổn thất nặng nề không chỉ đối với hai quốc gia tham chiến mà còn đối với toàn thế giới. Đây không chỉ là cuộc đọ sức quyết liệt trên chiến trường giữa Nga và Ukraine mà là một cuộc chiến tổng lực khi phương Tây phát động cuộc tiến công Nga trên tất cả lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, tình báo, thông tin... và sự đáp trả không kém phần quyết liệt của Moskva.

Các nhà phân tích đánh giá rằng, có rất ít triển vọng diễn ra đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột vào năm 2024, cũng như không bên nào có thể đạt được chiến thắng quyết định.

Cho dù khẳng định tình thế thuận lợi cho quân đội Nga, song chuyên gia về an ninh quốc tế Vladimir Valerievych Evseev - người đứng đầu Viện nghiên cứu Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Cơ quan hội nhập Á-Âu và phát triển Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - cho rằng chiến tranh sẽ kéo dài, vì Ukraine là quốc gia rộng lớn, lại nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ phương Tây.

Bước vào năm thứ ba của cuộc xung đột, nhiều chuyên gia quân sự bày tỏ quan điểm Nga có thể sẽ chiếm ưu thế trên chiến trường trong năm 2024. Hiện tại, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã giảm dần. Ngoài ra, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 cũng có khả năng tác động đến khả năng viện trợ của Washington dành cho Kiev. Trong năm 2024, Nga có khả năng giành chiến thắng nếu phương Tây không thể huy động các nguồn lực cần thiết dành cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine cũng có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột nếu phương Tây tăng cường hỗ trợ cho Kiev.

Hiện nay, có một số kịch bản được giới chuyên môn đưa ra đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Kịch bản thứ nhất: Hai bên tiến tới đạt được một thỏa thuận ngừng cuộc xung đột. Tuy nhiên, đó có thể không phải là sự kết thúc mà giống như một cuộc xung đột “đóng băng”, có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt, tùy thuộc vào các yếu tố đòn bẩy.

Kịch bản thứ hai: Xung đột sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, mặc dù việc giải quyết là vô cùng khó khăn bởi hai nước vẫn cách xa nhau quan điểm về các điều khoản mà hai bên có thể chấp nhận được nhằm chấm dứt cuộc xung đột.

Kịch bản thứ ba: Nga tuyên bố chiến thắng theo cách riêng của mình mặc dù không dễ dàng xoay chuyển hoàn toàn cuộc xung đột và đạt được các mục tiêu ban đầu.

Và kịch bản cuối cùng: Nga, Ukraine và phần còn lại của thế giới cần sự thỏa hiệp hoặc dùng những lực đẩy tác động từ bên ngoài để tạo lối thoát cho các bên./.

      Minh Trà