Hà Nội (TTXVN 12/10/2023) Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyệt đại đa số đồng bào Công giáo Việt Nam đều là nhân dân lao động có lòng yêu nước nồng nàn, có những đóng góp tích cực cùng nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, với phương châm sống "Tốt đời đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc", đồng bào Công giáo tiếp tục kề vai sát cánh cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 7/8/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc với Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Tổng Giám mục Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

* Tràn đầy tinh thần dân tộc yêu nước thiết tha

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, mà trước khi là người tín hữu họ là người Việt Nam, cho nên người công giáo cũng mang trong huyết quản của mình dòng máu Lạc Hồng, cũng tràn đầy tinh thần dân tộc yêu nước thiết tha.

Đồng bào Công giáo đã có những đóng góp tích cực về sức người, sức của cho các công việc chung của dân tộc, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng và phát triển đất nước. Như nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (người Công giáo) đã dâng lên triều đình nhà Nguyễn 58 bản điều trần mong muốn góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, đủ sức đánh thực dân Pháp. Không ít linh mục, giáo dân ở giáo phận Vinh đã tham gia phong trào Duy tân của Phan Bội Châu, có người bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo và chết trong ngục tù đế quốc. Có gia đình cả nhà là linh mục, tu sĩ đều theo kháng chiến như gia đình linh mục liệt sĩ Nguyễn Bá Luật.

Cách mạng Tháng Tám thành công tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong đồng bào Công giáo thành một cao trào sâu rộng. Một số cụ giám mục ngay năm 1945 đã gửi thư cho Tòa thánh và Cộng đoàn Công giáo thế giới xin ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các giám mục, linh mục và giáo dân ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cam kết: "Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại". Nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đã ra gánh vác những trọng trách của chính quyền nhân dân buổi đầu trứng nước như các Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn Chính phủ; các ông Nguyễn Mạnh Hà đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Vũ Đình Tụng - Giám đốc Nha Y tế Bắc Bộ, Bộ trưởng Bộ thương binh, Cựu binh trong Chính phủ, đặc biệt là Linh mục Phạm Bá Trực đã được bầu làm Phó Trưởng Ban thường trực Quốc hội khóa I.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, các vị linh mục Hồ Thành Biên, Trần Quang Nghiêm và rất nhiều vị linh mục khác đã tạm ngừng việc đạo để lên chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến... Nhiều nhà thờ của đạo Công giáo cùng những ngôi chùa của đạo Phật, thánh thất của đạo Cao Đài... trở thành những nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội; không ít chức sắc và bà con giáo dân quên mình hy sinh cho sự sống còn của dân tộc.

Từ ngày 8 đến 11/3/1955, 191 đại biểu, trong đó có 46 linh mục, tám tu sĩ và 137 giáo dân đã về thủ đô Hà Nội dự Đại hội thành lập Ủy ban Liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, với tôn chỉ là: Nâng cao tinh thần kính Chúa, yêu nước của người công giáo. Cùng toàn dân củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do, tạo điều kiện để hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc. Đoàn kết với toàn dân, đập tan mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo của đế quốc. Tôn chỉ đúng đắn đó đã mau chóng được sự tán thành của nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, theo lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng trăm nghìn thanh niên công giáo đã lên đường đánh giặc.

Nhà nước ta đã ghi nhận công lao to lớn của đồng bào Công giáo đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Nhiều người được phong Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Trần Văn Chuông, Khúc Văn Lượng, Đỗ Văn Chiến, Phạm Quang Hạnh, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Thị Nho...

* Chủ động tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào quá trình phát triển đất nước

Đất nước độc lập thống nhất, giang sơn thu về một mối, là điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống sống "Tốt đời đẹp đạo", đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc, kề vai sát cánh cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Khi cả nước thống nhất, được hướng dẫn của các giám mục qua Thư chung 1980 "quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, đồng hành với dân tộc, phục vụ hạnh phúc đồng bào", giới công giáo càng thêm vững tin vào con đường đồng hành với dân tộc; cùng với đồng bào cả nước thi đua lao động xây dựng đất nước sau chiến tranh; nhất là khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, thì phong trào yêu nước lại có thêm động lực mới.

Người Công giáo đã chủ động tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Với nội dung thiết thực, nhất là lĩnh vực từ thiện xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần tích cực vào chăm lo đời sống an sinh, phát triển kinh tế, kiến thiết hạ tầng…

Đặc biệt, hoạt động từ thiện nhân đạo là một nét đẹp truyền thống của đồng bào Công giáo trong các phong trào thi đua yêu nước, được thể hiện qua những việc làm thường xuyên như: mở lớp tình thương dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang, khuyết tật; chăm sóc bệnh bệnh nhân HIV/AIDS; quyên góp tiền mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; xây cầu phục vụ dân sinh; xóa nhà tạm và hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất; ủng hộ người dân bị thiên tai... Trong 5 năm (2017-2022), tổng số kinh phí tham gia ủng hộ các quỹ: "Vì biển đảo Việt Nam," "Vì người nghèo," "Đền ơn đáp nghĩa," "Xây nhà đại đoàn kết"... của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đạt trên 1.959 tỷ đồng.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng bào Công giáo tại mỗi địa phương đều tìm ra những cách thức riêng nhằm khắc phục khó khăn trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, các vị chức sắc, chức việc, nam nữ tu sỹ và đồng bào Công giáo Thành phố đã quyên góp ủng hộ tiền, hàng hóa, trang thiết bị y tế, các phần quà trị giá trên 20 tỷ đồng. Trên 1.000 lượt các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện hồi sức, bệnh viện dã chiến thu dung trên địa bàn, hỗ trợ, giúp đỡ việc điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân mắc COVID-19.

Cùng với đó là sự tham gia tích cực của đồng bào Công giáo vào lĩnh vực giáo dục, dạy nghề. Điển hình như tại Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 90 cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các Hội Dòng Nữ tu Công giáo thành lập và quản lý với hàng chục nghìn học sinh. Nhiều trường thực hiện không thu học phí; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các dòng tu còn tổ chức và điều hành lớp học tình thương để nuôi dạy trẻ em khiếm thính, khiếm thị, các em mồ côi và suy dinh dưỡng...
Nhờ phong trào yêu nước của người công giáo được đẩy mạnh, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương cá nhân cũng như tập thể công giáo tiêu biểu; nhiều vị chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Công giáo đã trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, làm chỗ dựa đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng bào Công giáo đang ngày càng khẳng định mình là một bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Phương Phương