“Non nước Cao Bằng” được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: TTXVN

Vào 12 giờ 56 phút giờ Paris ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 ở Paris, Pháp, đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia.

Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 km. Diện tích Công viên lên đến hơn 3.000 km2, bao gồm 6 huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay...

Đây là một miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản... đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất, xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc. Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.

Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể Hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt là thác Bản Giốc, một trong những thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.