Quốc hội khóa XIII triển khai các hoạt động của mình trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước có những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã triển khai khối lượng lớn công việc về lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

* Ban hành Hiến pháp năm 2013, hoàn thành hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp

Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật theo tinh thần của Hiến pháp.

Hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Với Hiến pháp năm 2013, những giá trị cốt lõi, nền tảng của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992 được tiếp tục kế thừa và phát triển. Hiến pháp đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong việc thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

* Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhiều lần điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và hằng năm sát hợp với thực tiễn; đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trong nhiệm kỳ, đã có nhiều quyết sách đồng bộ để ứng phó kịp thời với tình hình; bảo đảm thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, linh hoạt; giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; có các giải pháp mạnh mẽ bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... Nhiều quyết định đã góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của cuộc sống, như: quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, hồ chứa; đấu tranh, phòng chống tội phạm; hỗ trợ ngân sách đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số; tiếp nhận người nghiện ma túy vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội; tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn..., được đông đảo cử tri hoan nghênh.

* Tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Cùng với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội đề cao tinh thần xây dựng, tính dân chủ, công khai, tranh luận, đối thoại và ý thức trách nhiệm, tự phê bình của người được chất vấn.

Giám sát chuyên đề được tăng cường, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đời sống. Các nghị quyết, kiến nghị giám sát về cơ bản đúng, trúng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả rõ rệt.

Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát. Việc “tái” giám sát được tiến hành thường xuyên, trước hết là xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, kỳ họp sau phải báo cáo kết quả thực hiện những điều đã hứa, những giải pháp đã đưa ra trong lần chất vấn trước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành “chất vấn toàn khóa” đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Như vậy, có thể nói Quốc hội đã theo dõi, giám sát “đến cùng” việc thực hiện nghị quyết Quốc hội, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội hai lần thay mặt nhân dân cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao trong việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thúc đẩy những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong trong một số ngành, lĩnh vực.

* Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được tăng cường

Với vai trò là Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng liên minh nghị viện Thế giới (IPU-132) với chủ đề Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động và thông qua Tuyên bố Hà Nội đã góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước chúng ta.

Nhiều hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, ưu tiên phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nghị viện Châu Âu…; tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại có nhiều cải tiến cả về nội dung và hình thức, góp phần tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực phản động, thù địch.