Đại hội Đảng IV là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, cả nước tiến lên xây dựng CNXH.

Thời gian: 14/12 đến 20/12/1976

Địa điểm: Thủ đô Hà Nội

Số lượng đại biểu: 1.008

Số lượng đảng viên: 1.550.000

 

BỐI CẢNH CHUNG

- Từ cuối những năm 70 trở đi, tình hình kinh tế-xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu gặp nhiều khó khăn, việc duy trì sự ủng hộ, viện trợ vật chất đối với các nước bên ngoài ngày càng hạn chế. Các nhà lãnh đạo Liên Xô tìm cách thương lượng với Mỹ giảm dần cuộc chạy đua vũ trang.

Giữa thập niên 70, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, thành lập từ tháng 8/1967) có nhiều hoạt động tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, tạo sự ảnh hưởng và uy tín trong khu vực.

Lực lượng Khơme Đỏ lên cầm quyền ở Campuchia sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ (4/1974) phản bội cách mạng, được một số thế lực bên ngoài ủng hộ, thực hiện tàn sát nhân dân trong nước, thi hành chính sách đối ngoại thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.

- Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam: Thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và đi lên CNXH.

Cuộc Tổng tuyển cử (4/1976) bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Quốc đã ra những quyết định lịch sử về quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, xác lập hệ thống bộ máy nhà nước.

HOÀN THÀNH SỰ NGHIỆP THỐNG NHẤT TỔ QUỐC, ĐƯA CẢ NƯỚC ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI 

Ðại hội nghe Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980); Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Ðảng và sửa đổi Ðiều lệ Ðảng.

* Đại hội quyết định

- Đường lối cách mạng XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ IV đã đánh giá, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Đại hội xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó, cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

- Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980):

Phát triển và cải tạo kinh tế; phát triển khoa học-kỹ thuật; đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới; tăng cường nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của các đoàn thể, làm tốt công tác quần chúng; nhiệm vụ quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng; nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

* Đại hội thông qua:

+  Nghị quyết đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Bổ sung Điều lệ của Đảng, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.