Tại các lễ cúng, các Chức sắc và tín đồ sẽ có vị trí riêng (một trong 9 cấp) của Chánh điện tương ứng với hàng phẩm trong đạo Cao Đài. Ảnh: Giang Phương – TTXVN
Đạo Cao Đài, tên gọi đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, do một số công chức, tư sản, địa chủ, trí thức sáng lập và phát triển chủ yếu ở các tỉnh, thành phố Nam Bộ.
Ngày 19/11/1926, những chức sắc đầu tiên của đạo Cao Đài đã tổ chức lễ khai đạo tại tỉnh Tây Ninh và chính thức ra mắt đạo Cao Đài.
Sau ngày khai đạo, những chức sắc lãnh đạo giáo hội Cao Đài tiến hành xây dựng Toà thánh Tây Ninh và cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống bộ máy tổ chức hành chính đạo từ Trung ương đến cơ sở.
Đạo Cao Đài đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, nêu cao tinh thần đoàn kết, tập hợp chức sắc và người theo đạo đồng hành cùng dân tộc.
Hằng năm, đạo Cao Đài có 2 ngày lễ lớn là Lễ Vía Đức Chí Tôn, vào ngày mùng 8 tháng Giêng và Hội yến Diêu Trì Cung vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, nhằm cầu cho mưa thuận - gió hòa, quốc thái - dân an, mọi người, mọi nhà đều được ấm no hạnh phúc. Đồng thời thể hiện tấm lòng hiếu hạnh của con cái đối với Đức Đại Từ Phụ và Đức Đại Từ Mẫu, thể hiện lòng biết ơn đấng sinh thành tạo hóa ra vạn loài theo quan niệm của đạo Cao Đài.
Nơi đặt Quả Càn Khôn (hình cầu, đường kính 3,3 mét) bên trong có thờ Thiên Nhãn, biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Đài bên trong Đền Thánh. Ảnh: Giang Phương - TTXVN
Trong thế giới biểu tượng của đạo Cao Đài, Thiên Nhãn được coi là biểu tượng toàn năng của các giá trị chân - thiện - mỹ. Thiên Nhãn biểu tượng cho Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế được gọi là Tiên Ông. Thiên Nhãn là hướng tới một thế giới mà nhân loại bình đẳng, hạnh phúc không phân biệt tôn giáo, dân tộc; lấy nhân bản làm nền tảng, nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy; khắc phục các khác biệt về hình thức, hóa giải kỳ thị tôn giáo, sắc tộc để cùng nhau xây dựng thế giới đại đồng.
Kể từ khi khai đạo, đến nay đạo Cao Đài không chỉ phát triển trong nước mà còn được hình thành tại một số nước trên thế giới, để người theo đạo cùng sinh hoạt.