Giáo sư Đào Duy Anh

Giáo sư Đào Duy Anh sinh năm 1904 tại Thanh Hóa. Ông đã cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm báo Tiếng Dân và mở Quan Hải tùng thư ở Huế để sớm truyền bá tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa Mác-xit cho nhân dân.

Không chỉ là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam, Giáo sư Đào Duy Anh còn là một trong số học giả lớn nhất ở thế kỷ XX, được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam. Ông là tấm gương lao động khoa học không biết mệt mỏi, vượt qua mọi hoàn cảnh, với niềm đam mê và khát vọng cống hiến lớn lao.

Di sản mà ông để lại rất đồ sộ, trên nhiều lĩnh vực, mà ở lĩnh vực nào cũng mang dấu ấn sâu đậm, có tầm ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài. Đặc biệt công trình “Việt Nam Văn hóa sử cương” của ông được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam xem như kim chỉ nam trong gần 100 năm qua. Đến nay, những công trình nghiên cứu và tác phẩm của ông vẫn đang được giảng dạy, nghiên cứu phát triển và phát huy giá trị trong đời sống. 

Giáo sư Đào Duy Anh qua đời ngày 1/4/1988, tại Hà Nội. Tên của ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố ở thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Năm 2000, Giáo sư Đào Duy Anh được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ (đợt 2), lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho Cụm công trình lịch sử và văn hóa Việt Nam gồm: "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX", "Lịch sử cổ đại Việt Nam", "Việt Nam văn hóa sử cương", "Đất nước Việt Nam qua các đời".