Hà Nội (TTXVN 1/2/2024) Chúng ta đi qua năm 2023 với nhiều dấu ấn đặc biệt. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp… Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu ấn tượng.

 

Từ khi thực hiện Đổi mới năm 1986 đến nay, sản xuất lúa gạo của Việt Nam phát triển nhanh chóng, tăng cả về sản lượng và năng suất. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

* Điểm sáng kinh tế toàn cầu

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế khoảng 430 tỷ USD. Theo đó, trong bối cảnh không mấy sáng màu của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, với giá trị gia tăng toàn ngành ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, giá trị gia tăng toàn ngành đạt 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng từng bước phục hồi, cả năm tăng 3,02%.

Trong năm 2023 thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng; đồng thời với chủ trương tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026. Đáng chú ý, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài... so với tổng thu ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo.

Về xuất khẩu hàng hóa, tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD; xuất siêu khoảng 28 tỷ USD - nhiều nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào việc tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Với những kết quả trên, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế trong năm 2023. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định", (châu Á-Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng); giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

* Kỷ lục giải ngân vốn FDI và doanh nghiệp thành lập mới

Lũy kế đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ, là năm cao thứ ba trong giai đoạn 2008 đến nay. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân đạt kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu.

Hoạt động đăng ký kinh doanh năm 2023 cũng rất ấn tượng với kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 cũng đạt hơn 58.400. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tiếp tục ở mốc hơn 200.000, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất lúa. Ảnh: Anh Đức - TTXVN

* Xuất siêu nông sản đạt mức kỷ lục

Năm 2023, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây - ước đạt 3,83%. Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường nhưng khép lại năm 2023, ngành nông nghiệp vẫn xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt trên 53 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD là: rau quả; gạo; hạt điều; cà phê; tôm; gỗ và sản phẩm gỗ. Đặc biệt, rau quả và gạo "thắng đậm" chưa từng có, khi vượt qua tất cả các dự báo và mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 ước đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Con số này giúp ngành gạo lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay. Bên cạnh gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu, gạo Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trên thị trường khi gạo ST25 một lần nữa được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Kết quả này cũng góp phần giúp ST25 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU từ ngày 19/12/2023. Như vậy, Việt Nam đã có 10 giống gạo (Jasmine 85, ST24, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào) được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU. Đây là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU.

Cùng với gạo, năm 2023 xuất khẩu rau quả cũng chính thức lập kỷ lục mới khi đạt 5,69 tỷ USD, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của năm 2022. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỷ đô” mới của Việt Nam. Ngoài ra, rau quả Việt Nam cũng từng bước có chỗ đứng tại các thị trường được đánh giá là “khó tính” như EU, Nhật Bản, Anh, Mỹ…

* Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ năm 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71.

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Lựa chọn năm 2023 là năm đồng hành đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/ha/năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022. Ba ứng dụng của cơ quan nhà nước có lượng người dùng lớn là VneID (Bộ Công an), VssID (Bảo hiểm Xã hội) và Thanh niên Việt Nam (Trung ương Đoàn).

Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại nhiều kết quả cụ thể. Điển hình như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và bảo hiểm đã tạo thuận lợi hơn cho người dân đi khám bệnh: chỉ cần cung cấp căn cước công dân, quy trình từ 4 bước rút gọn còn 2 bước; thời gian cho mỗi lượt xác thực từ 10 phút xuống chỉ còn 6-13 giây. Hay như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã giúp gộp 4 quy trình (Đăng ký thành lập doanh nghiệp, Đăng ký bảo hiểm xã hội, Khai trình sử dụng lao động và Đăng ký sử dụng hóa đơn) còn 1 quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện từ 16 ngày xuống tối đa là 6 ngày…

* Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động

Cùng với lĩnh vực kinh tế, trong năm 2023, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Các chỉ tiêu kế hoạch về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022.

Trong năm 2023, Chính phủ cũng đã thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương. Ước thực hiện cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39-40%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%, đạt mục tiêu. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao. Theo Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, năm 2023 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo với trên 14.496 hộ tham gia; trên 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có hộ nghèo... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu.

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động được 110 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho trên 68.000 lượt trẻ em với kinh phí 50,605 tỷ đồng; hỗ trợ gián tiếp (hàng hoá) cho trên 57.000 lượt trẻ em với kinh phí 48,485 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 2022.

Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên hợp quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023 nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung. Ảnh: TTXVN

* Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công toàn diện

Trong năm 2023, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, bài bản, liên tục, thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, với sự kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Trong năm, Việt Nam đã tổ chức tốt 15 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 21 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Trong đó, đặc biệt phải kể đến việc đón tiếp thành công các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (tháng 9) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 5)... qua đó góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp với nhiều đối tác quan trọng. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài.

Bên cạnh thúc đẩy quan hệ song phương, năm 2023, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như: Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO… cũng như đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới, như: chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ… Qua đó, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Trên cơ sở đó, ngoại giao kinh tế cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ. Bên cạnh thực hiện hiệu quả các FTA đã ký, năm 2023, chúng ta đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp... Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong năm 2023 trong bối cảnh biến động của thế giới, khu vực, càng khẳng định tính đúng đắn trong đường lối của Đảng ta. Chúng ta tự hào bởi đó là thành quả được tạo nên từ sức mạnh của niềm tin, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc và của những nỗ lực, khát vọng của lớp lớp những người con đất Việt.    

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong năm 2023, sẽ là cơ sở, tiền đề để Việt Nam tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2024 nói riêng và trong những năm tới nói chung./.

Minh Duyên