Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng tại buổi lễ. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng được xác định có niên đại từ thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo, tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Tháp Vĩnh Hưng còn có tên gọi khác là Tháp Trà Long, Tháp Lục Hiền.
Trong số hàng trăm hiện vật được phát hiện tại di tích, đáng chú ý là bộ sưu tập cổ vật bằng đồng (năm 2002) được đánh giá vào loại hiếm có và rất có giá trị. Đây cũng là bộ sưu tập tượng đồng nhiều nhất đến nay được ghi nhận ở các công trường khai quật khảo cổ học khu vực phía Nam.
Trong số hiện vật được tìm thấy tại Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng đã có 5 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia là: Tượng Sadasiva công nhận năm 2015; Tượng Nam thần công nhận năm 2015; Tượng Nữ thần Parvati công nhận năm 2015; Tượng Nam thần đúc theo tư thế ngồi công nhận năm 2020; Tượng nữ thần UMA công nhận năm 2023.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 18/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích Khảo cổ Vĩnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu.
Ngày 26/4/2025, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng.