Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932)
Trong lịch sử kinh tế nước nhà, cái tên Bạch Thái Bưởi (1874-1932) có ý nghĩa vô cùng lớn. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng, cổ vũ các thế hệ doanh nhân Việt Nam vươn lên khẳng định mình. Với tinh thần dân tộc vô cùng mạnh mẽ “phải làm sao để ngọn cờ của công ty người Việt Nam ta phất phới trên năm châu bốn biển, để cả thế giới biết đến người Việt Nam và đất nước Việt Nam”, Bạch Thái Bưởi đã từ một người tay trắng trở thành một doanh nhân Việt Nam kiệt xuất trong những năm đầu thế kỷ XX.
Xuất thân từ một ký lục (nhân viên thư ký) cho hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội, năm 1894, ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính, nơi lần đầu tiên ông được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống. Bạch Thái Bưởi tìm cơ hội trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm.
Sau đó, ông bỏ vốn mua lại một hãng cầm đồ ở Nam Định, rồi mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, hãng rượu ở Thái Bình và làm cả cai thầu thuế chợ từ miền Bắc đến miền Trung. Nghiệp kinh doanh lẫy lừng nhất cho Bạch Thái Bưởi bắt đầu vào năm 1909, khi ông thuê lại ba chiếc tàu của một doanh nghiệp Pháp và mở tuyến giao thông đường biển Nam Định-Hà Nội-Bến Thủy.
Tháng 4/1916, ông tuyên bố thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra đến tận Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore...
Năm 1917, Hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, ông mua lại 6 chiếc tàu khác của hãng này. Ngày 7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi gây tiếng vang lớn khi cho hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công. Cũng chính nhờ con tàu lớn đầu tiên của Việt Nam này mà Bạch Thái Bưởi được xưng tụng là “Vua tàu thủy Việt Nam".
Làm ăn với người Pháp, học tập kỹ thuật tân tiến của phương Tây, nhưng khi đặt tên các con tàu, ông đều lấy từ nguồn lịch sử của dân tộc như: Lạc Long, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi… Có lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, trong Hội nghị Kinh tế lý tài, ông bị René Robin - Thống soái Bắc kỳ lúc đó - đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”, ông đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.
Bạch Thái Bưởi được người đương thời và các thế hệ đi sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn, có tinh thần tự tôn dân tộc, một tâm hồn Việt… Cũng vì thế mà ông trở thành khuôn mặt nổi tiếng của 30 năm đầu thế kỷ XX./.