Hà Nội (TTXVN 09/12/2022) Trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu từ ngày 9 đến 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Vương quốc Hà Lan theo lời mời của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từ ngày 10 đến 13/12/2022. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Chuyến thăm sẽ góp phần đưa mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam-Hà Lan ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Vương quốc Hà Lan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

* Duy trì quan hệ chính trị-ngoại giao tin cậy
Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Từ những năm đầu của thập kỷ 1990, quan hệ hai nước bắt đầu khởi sắc.
Từ năm 1993 đã có rất nhiều chuyến thăm, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó tạo cơ sở tăng cường quan hệ hữu nghị tin cậy và hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu là chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 10/2001), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2011,  dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 tại La Hay, Hà Lan tháng 3/2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 3/2018) vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan… Các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Hà Lan như Thủ tướng Wim Kok (tháng 6/1995), Thái tử Willem Alexander tháng 10/2005, tháng 3/2011) và Thủ tướng Mark Rutte (tháng 6/2014, tháng 4/2019)…
Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước thông qua và hoạt động rất hiệu quả. Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, kinh tế biển và dịch vụ hậu cần. Quan hệ Việt Nam-Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu. 
Đáng chú ý, tháng 10/2010, hai nước đã thiết lập Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; tháng 6/2014, thiết lập Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực... Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan.
Trên diễn đàn quốc tế đa phương và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU, Việt Nam và Hà Lan luôn dành cho nhau sự ủng hộ và hợp tác tích cực. Hai nước đã ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an, Hội đồng nhân quyền, ECOSOC. Hà Lan cũng ủng hộ Việt Nam thúc đẩy quan hệ với EU, chia sẻ lập trường về việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Ngược lại, Việt Nam giúp Hà Lan tăng cường quan hệ và tiếp cận với thị trường ASEAN dễ dàng hơn.

 * Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư không ngừng phát triển
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Hà Lan-Việt Nam không ngừng phát triển. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2020. Trong 9 tháng năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan chủ yếu các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị; điện thoại, linh kiện; hàng dệt may; giày dép; các mặt hàng nông thủy sản như rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo; sản phẩm hóa chất, sản phẩm chất dẻo ; và nhập khẩu chủ yếu từ Hà Lan thực phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất và sản phẩm hóa chất, dược phẩm, sản phẩm chất dẻo, máy móc, thiết bị…
Việc triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) từ tháng 8/2020 đã đem đến nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan mở rộng quan hệ hợp tác với kết quả là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã thành công tiếp cận thị trường EU với mức thuế suất ưu đãi. 
Về đầu tư, tính đến tháng 1/2022, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 380 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD. Một số dự án đầu tư đáng chú ý của Hà Lan tại Việt Nam gồm: nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỷ USD và nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD (thực chất là đầu tư của Hoa Kỳ thông qua văn phòng tại Hà Lan); Công ty Pepsico Việt Nam trị giá 180 triệu USD. Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… Ngoài một số dự án đầu tư lớn trên, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động rất hiệu quả như: Heineken (bia Heineken, Tiger, Bivina), Unilever (chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, kem Wall), Royal Dutch Shell (khai thác và phân phối dầu khí), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hoá dược), Philips (điện tử)...
Về hợp tác phát triển, trong nhiều thập kỷ qua, Hà Lan là một trong những nhà tài trợ phát triển chính thức lớn nhất của EU cho Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn đầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hợp tác phát triển khi Chính phủ Hà Lan viện trợ cho Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển khu vực nông nghiệp.
Tháng 6/1999, Hà Lan đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển. Tháng 10/2000, hai nước ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển. Viện trợ của Hà Lan trong giai đoạn này tập trung vào ba lĩnh vực gồm lâm nghiệp và đa dạng sinh học; y tế; và quản lý nhà nước. Ngoài ngân sách song phương hàng năm, Hà Lan còn triển khai một số chương trình hỗ trợ cho Việt Nam như ORET/MILIEV (giao dịch xuất khẩu hỗ trợ phát triển chính thức), PSOM (chương trình hợp tác với các thị trường mới hình thành), ORIO (chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển, đã chính thức chấm dứt vào cuối năm 2016), DRIVE (từ 2017 đến nay, là chương trình tiếp nối sau khi Chương trình ORIO kết thúc, nhằm cung cấp vốn viện trợ Hà Lan cho các dự án trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, với mục tiêu làm mềm lãi suất cho các khoản vay ưu đãi của Chính phủ Hà Lan cho Chính phủ Việt Nam), NICHE (sáng kiến tăng cường năng lực giáo dục), PPP (đối tác công tư), G2G (các sáng kiến hợp tác giữa hai Chính phủ)...
Bên cạnh đó, Hà Lan cũng cung cấp một số viện trợ dưới hình thức phi chính phủ thông qua Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam. Đây là tổ chức đã dành cho Việt Nam nhiều sự hỗ trợ trong lĩnh vực y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển sinh kế cho người dân nghèo ở nông thôn từ năm 1968 đến nay.
Từ tháng 1/2014, Hà Lan đã chuyển quan hệ với Việt Nam sang “Đối tác thương mại” đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư với Việt Nam nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và việc làm của Hà Lan. Tuy vậy, Hà Lan vẫn tiếp tục tài trợ cho nhiều tổ chức xã hội tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xã hội và kinh tế.

  * Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác
Cùng với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, Việt Nam và Hà Lan đang tích cực mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
        Đặc biệt, hai bên đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước từ năm 2010. Hoạt động nổi bật nhất trong những năm đầu hợp tác giữa hai nước là việc hoàn thiện Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn, đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.
Hiện nay, Hà Lan tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, nguồn nhân lực, các công nghệ hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách, như: chống khô hạn, mặn xâm nhập, đặc biệt là xử lý vấn đề sụt lún và xói mòn bờ sông, bờ biển…
Hai nước cũng hợp tác mạnh mẽ trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, hai bên đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác mang định hướng trung và dài hạn. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực rau-hoa quả, làm vườn, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục-đào tạo, Hà Lan đã giúp Việt Nam trong nhiều dự án, gồm: Chương trình hợp tác liên đại học Việt Nam-Hà Lan, Chương trình học bổng của Chính phủ Hà Lan và Chương trình học bổng Huygens với số lượng từ 30-50 học bổng/năm. Từ tháng 8/2002, Hà Lan đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác đào tạo đại học. Nhiều đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan. 
Về y tế, trong hai năm qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine và các trang thiết bị y tế trị giá 43 tỷ đồng để phòng chống COVID-19.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan hiện có khoảng 24.000 người (năm 2020). Số lượng học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang du học, nghiên cứu tại Hà Lan khoảng 400 học sinh/năm. Tháng 6/2016, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan chính thức ra đời nhằm gắn kết và giúp đỡ các du học sinh Việt Nam tại Hà Lan.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển rất tốt đẹp hiện nay, chuyến thăm chính thức Hà Lan lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Hà Lan; khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong quan tâm, ưu tiên của Hà Lan đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; giúp Việt Nam mở rộng hợp tác với Hà Lan trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo… Đồng thời, các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng lần này phát đi thông điệp Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, sẵn sàng phối hợp cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hoà bình, ổn định…/.
          Trọng Đức (tổng hợp)