Hà Nội (TTXVN 2/7/2024) Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1, ngày 23/9/2005, ngành Điện Việt Nam lại đánh dấu một kỳ tích mới: hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 2. Việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500 kV Bắc-Nam giải quyết thiếu điện rất lớn ở miền Bắc trong giai đoạn 2005-2008; đồng thời, khẳng định đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

* Giải quyết thiếu điện ở miền Bắc

Từ năm 1996, Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự tăng trưởng của nền kinh tế đặt hệ thống truyền tải điện Việt Nam vào một thử thách mới. Trên cơ sở phân tích từ thực tế, ngành điện dự báo, giai đoạn 2005-2008, miền Bắc có thể sẽ thiếu điện, đặc biệt là Hà Nội. Để khắc phục tình trạng thiếu điện ở miền Bắc và tăng tính an toàn cho Hệ thống điện, ngành điện triển khai phương án xây dựng Đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 2 (Đường dây 500 kV mạch 2) kéo dài từ Trạm biến áp 500 kV Phú Lâm ra Pleiku và từ Pleiku đến Trạm biến áp 500 kV Thường Tín.

Công nhân Công ty Truyền tải điện 3 lắp đặt tụ bù dọc tại trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Công trình Đường dây 500 kV mạch 2 có tổng chiều dài 1.596,3 km, đi qua 21 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tây. Được đấu nối với 7 trạm biến áp 500 kV với tổng công suất 3.600 MVA, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng.

Nếu Đường dây 500 kV mạch 1 được xây dựng thành một dự án, thì Đường dây 500 kV mạch 2 được chia thành 4 dự án độc lập: Pleiku - Phú Lâm, Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín. Cùng với việc xây dựng Đường dây 500 kV mạch 2, 4 trạm biến áp 500 kV cũng được mở rộng thêm các ngăn lộ đi và đến tại các Trạm biến áp 500 kV Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng và Hà Tĩnh; xây mới hai trạm biến áp 500 kV là Thường Tín và Nho Quan với công suất mỗi trạm đạt 900 MVA.

Sau thời gian thi công, 4 dự án đã lần lượt được đóng điện và đưa vào vận hành ngày 19/4/2004, 30/8/2004, 23/5/2004 và 23/9/2005. Việc đóng điện vận hành với những thời điểm khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác vận hành.

Ngày 23/9/2005, với việc hoàn thành cung đoạn Hà Tĩnh - Thường Tín, toàn bộ Đường dây 500 kV mạch 2 đã chính thức đi vào vận hành. Từ thời điểm này, lưới điện ba miền Bắc-Trung-Nam được nối với nhau bằng hai đường dây 500 kV với tổng chiều dài gần 3.500 km và một loạt hệ thống đường dây 220 kV, tạo nên mạng lưới điện vững chắc cho việc cung cấp điện chất lượng, ổn định và liên tục cho cả nước. Việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500 kV Bắc-Nam đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải khai thác Nhà máy Thủy điện Ialy (720MW); giải quyết thiếu điện ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội trong giai đoạn 2005-2008, tránh nguy cơ xảy ra sự cố hay sửa chữa đường dây mạch 1 gây mất điện diện rộng.

* Chứng minh khả năng tự cường

Nếu như đường dây 500 kV mạch 1 được xây dựng bằng tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì đường dây 500 kV mạch 2 được xây dựng bằng tinh thần phát huy nội lực và chứng minh khả năng tự cường dân tộc. Thay vì thuê các đối tác nước ngoài, chúng ta đã tự làm được cho mình một đường dây 500 kV hoàn chỉnh bằng việc: Tự thiết kế, tự giám sát, tự thi công, tự chế tạo cột thép, dây dẫn và dây chống sét...

Công ty Truyền tải Điện 3 (NPT) thực hiện thi công nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500 kV Pleiku - Phú Lâm. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Lúc đầu, ý tưởng về một đường dây 500 kV thứ 2 đã nhận được nhiều sự phản bác và hoài nghi về tính khả thi của nó. Sự phản bác này không phải không có căn cứ khi khối lượng thi công lên tới 3,2 triệu m3 đào đắp đất đá các loại, 269 nghìn m3 bê tông các loại với 12,8 nghìn tấn thép xây dựng. Tổng mức đầu tư cho dự án lên tới gần 8.000 tỷ đồng (hơn 500 triệu USD). Trong khi đó, cũng vào thời điểm năm 2003, hàng loạt công trình quan trọng cũng đang được chuẩn bị khởi công hay đi vào giai đoạn hoàn thiện...  Chính vì thế có ý kiến quan ngại với lực lượng thi công bị chia sẻ như vậy, chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công sẽ không được đảm bảo.

Nhưng ngoài những khó khăn này, EVN cũng “nhìn ra” hàng loạt vấn đề: cuối năm 2004, miền Bắc có thể thiếu điện trên diện rộng từ 10-15 tỉnh, trong khi đó thì miền Nam còn dư công suất, có thể đáp ứng cho miền Bắc. Bên cạnh ý nghĩa sống còn đó, đường dây 500 kV thứ hai còn có tác dụng tăng cường độ tin cậy của cả hệ thống điện, có thể tránh được mất điện trên diện rộng nếu xảy ra sự cố một trong hai mạch.

Cuối cùng, Chính phủ đã quyết định kịp thời cho triển khai xây dựng sớm đường dây 500KV Bắc-Nam mạch 2 với một cơ chế đặc biệt: thiết kế đến đâu, phê duyệt và thi công đến đó, tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng đồng thời trên toàn tuyến... Hơn 10 nghìn cán bộ, công nhân viên, lúc cao điểm là hơn 20 nghìn người, rải ra trên toàn bộ 4 cung đoạn của dự án gấp rút ngày đêm thi công.

Để đảm bảo chất lượng công trình, EVN đã đưa ra những quy định hết sức cụ thể và chi tiết trong bản "hướng dẫn thực hiện công tác quản lý chất lượng, giám sát và nghiệm thu" riêng cho đường dây 500 kV, tổ chức ban chỉ đạo ngay tại hiện trường, cập nhật theo phần mềm quản lý 500 kV. Để kiểm soát tốt hơn chất lượng công trình, EVN đã giao cho 4 Công ty Truyền tải điện, những đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành sau khi công trình hoàn thành.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, EVN chủ trương bám dân, bám địa phương để tạo cơ chế điều hành minh bạch. Gần 100 hội đồng đền bù được thành lập trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố với phương châm công khai dựa vào dân và các cấp uỷ đảng đã mang lại kết quả là không có bất cứ một sự khiếu kiện đơn thư nào xảy ra trong tổng số 3.258 hộ dân phải di dời ra khỏi hành lang, hơn 8.000 hộ và cơ quan bị ảnh hưởng về tài sản và hoa màu.

Có thể nói, công trình đường dây 500 kV mạch 2 về đích sớm với chất lượng cao là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị tham gia dự án, trong đó phải kể đến công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của EVN và cơ chế mềm dẻo của Chính phủ. Đường dây 500 kV mạch 2 thực sự là một cơ hội thử thách tài năng, trí tuệ của những người thợ điện Việt Nam.

Không chỉ có ý nghĩa kinh tế-xã hội to lớn, khẳng định “thương hiệu Việt” trong xây dựng công trình điện, việc hoàn thiện “trục xương sống” thứ 2 trong hệ thống điện Việt Nam còn mang đến những kinh nghiệm và những bài học để áp dụng cho các công trình sau này./.

Phương Duyên (tổng hợp)