Hà Nội (TTXVN 07/05/2023) Cách đây 69 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đập tan cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Thắng lợi đó là sự kết tinh của nhiều yếu tố, trước hết, đó là thắng lợi của thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó còn là thắng lợi của sự phát huy cao độ truyền thống đại đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: TTXVN

  * Phát huy sức mạnh dân tộc

Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Đảng ta xác định đây là cuộc kháng chiến: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh”. Ngay trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “...bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì đều phải đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, cứu Tổ quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân, toàn quân ta từ Bắc chí Nam, từ rừng núi, nông thôn đồng bằng đến đô thị, đâu đâu cũng đứng lên đoàn kết chiến đấu, cùng các lực lượng vũ trang càng đánh càng mạnh, từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, đẩy quân địch vào thế sa lầy, bị động. Lời kêu gọi ấy có sức mạnh lan tỏa, hiệu triệu nhân dân khắp nơi nô nức tòng quân tham gia phối hợp với chủ lực chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công tham gia tải thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, đóng góp nhiều nhất sức người, sức của để làm cách mạng. Khí thế dân tộc trào dâng mãnh liệt. Thế trận chiến tranh nhân dân ấy đã trở thành bức thành đồng vững chắc nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Thế trận ấy vì một mục tiêu duy nhất: Chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.

Chỉ tính riêng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra tiền tuyến 9.000 tấn gạo, nhân dân tỉnh Lai Châu đóng góp cho Điện Biên Phủ 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt; 210 tấn rau xanh, huy động 16.972 dân công, tham gia 517,210 ngày công; 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, đóng góp 25.070 cây gỗ để làm đường. Nhân dân Liên khu V trong bốn năm từ 1951 - 1954 đã đóng góp 1.322.600 tấn thóc và số tiền tương đương 1.500.000 tấn. Nhân dân cả nước đóng góp 25.056 tấn gạo, góp 26 vạn người đi dân công hỏa tuyến, riêng tuyến hậu cần chiến dịch đã sử dụng lực lượng khoảng 33.500 người phục vụ với hơn 30.000 ngày công. Trong 4 năm từ 1950 - 1954, ta khôi phục và mở rộng 3.670km đường cũ, làm 505km đường mới, trong đó đường vận tải chiến lược dài 2.080km (Theo “Điện Biên Phủ, hợp tuyển công trình khoa học”).

Cùng với hoạt động tác chiến của các lực lượng quân sự, công tác hoạt động bảo đảm phục vụ cho chiến dịch cũng được tiến hành rất khẩn trương. Hằng đêm có tới 200 xe tải, xe kéo pháo ra vào trận địa, hàng trăm xe đạp thồ vận chuyển gạo, đạn, nhu yếu phẩm phục vụ chiến đấu, mỗi xe bằng nhiều sáng kiến thồ được từ 200 - 300kg.

Công tác tổ chức hậu cần cũng được hoàn thiện dần cùng với các hoạt động tác chiến, kết hợp tổ chức hậu cần địa phương với Hội đồng cung cấp từ Trung ương tới liên khu, tới tỉnh, hình thành mạng lưới cung cấp, huy động nhân, vật lực ở các địa phương, kết hợp nguồn trên cấp, nguồn địa phương và nguồn khai thác tại chỗ, phát huy hậu cần nhân dân bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi.

  * Kết hợp tác chiến của quân đội chủ lực và vũ trang toàn dân  

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hệ thống giao thông hầm, hào chằng chịt dài tới hơn 400 km của quân ta theo nhiều cấp độ khác nhau như chiếc thòng lọng từng ngày thít chặt quân địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng. Trong ảnh: Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt cứ điểm quan trọng này ngay trong ngày mở màn chiến dịch 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Để làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, lập thế trận chiến tranh nhân dân, trước hết ta tổ chức các đại đoàn chủ lực và một số binh chủng kỹ thuật. Ngay từ cuối năm 1949, đầu năm 1950, các đại đoàn nhanh chóng được thành lập như: Đại đoàn 308 (28-8-1949), Đại đoàn 304 (10-3-1950), Đại đoàn 325 (5-12-1952)...

Đến cuối năm 1952, ta đã có 6 đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320, 325 và Đại đoàn công - pháo 351. Cùng với sự lớn mạnh vượt bậc của các đại đoàn chủ lực, ta chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích tiến lên vận động chiến.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh: Muốn chống lại một đội quân xâm lược lớn mạnh hơn về lực lượng và phương tiện chiến tranh thì không thể chỉ trông cậy vào đội quân thường trực mà phải huy động toàn dân đánh giặc, việc kết hợp tác chiến của quân đội chủ lực và vũ trang toàn dân đã thể hiện tư duy không giới hạn ở phương thức tác chiến thông thường, mà là thế trận và phương thức kết hợp từ của sự nổi dậy của quần chúng tiến hành chiến tranh cách mạng và các đội du kích ở khắp nơi - thế trận chiến tranh nhân dân.

Thông qua thực tiễn chiến đấu, ta đã kịp thời rút kinh nghiệm trong toàn quân, toàn dân, tiến hành chỉnh huấn đôn quân, nâng cao bản chất giai cấp của quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, hoàn chỉnh tổ chức biên chế, trang bị; từng bước hình thành phương thức tác chiến tiến công các cứ điểm, cụm cứ điểm phòng ngự trong công sự vững chắc, nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng trong tác chiến, giữa tác chiến của các đại đoàn chủ lực cơ động với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích, lập thế trận chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước và trên toàn chiến trường Đông Dương, làm cho địch dần mất thế chủ động. Đó là nghệ thuật tổ chức, chỉ đạo lực lượng vũ trang ba thứ quân và nghệ thuật tổ chức, động viên nhân dân tham gia kháng chiến kiến quốc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần để đánh thắng địch...

Gần 70 năm đã trôi qua, từ cánh đồng Mường Thanh lịch sử, những bài học của thắng lợi Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Từ Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu non sông về một dải, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên “độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”; dựng xây đất nước, bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn, đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế... Đó cũng là quá trình phát huy giá trị và vận dụng những bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học của sức mạnh đại đoàn kết từ chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”./.

 Trần Hiền Hạnh