Là chiến sĩ thuộc Đại đội Quân báo, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, Dương Quảng Châu luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí tiếp cận mục tiêu, điều tra tỉ mỉ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện nay, tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Quảng Châu được treo trang trọng cùng với các chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, như nhắc nhở thế hệ mai sau về những cống hiến, hy sinh của những con người “dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.
Anh hùng Dương Quảng Châu

   * Người chiến sĩ quân báo gan dạ, mưu trí, dũng cảm

Đồng chí Dương Quảng Châu (bí danh là Dương Ngọc Chiến), sinh năm 1929, quê ở xã Quảng Châu, huyện Phù Tiên (nay thuộc xã Hoàng Hanh, thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do hoàn cảnh cùng cực, nghèo khó, gia đình Dương Quảng Châu phải bỏ quê lên Thái Nguyên làm ruộng thuê. Từ nhỏ, đồng chí đã phải sống cuộc sống khó khăn, vất vả để mưu sinh.

Tháng 5/1948, đồng chí Dương Quảng Châu nhập ngũ, tham gia vào bộ đội địa phương, sau đó chuyển sang bộ đội chủ lực. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã tham gia nhiều chiến dịch từ Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Là chiến sĩ thuộc Đại đội Quân báo, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, Dương Quảng Châu luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí tiếp cận mục tiêu, điều tra tỉ mỉ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1949, một mình đồng chí vào trinh sát bốt Bồng Lai, Hạ Trì (Hà Đông). Trong suốt 3 ngày bị địch bao vây, dù bị nhịn đói nhưng đồng chí vẫn  khéo léo giả làm “phu” (người lao động bị bắt đi làm lao dịch thời phong kiến, thực dân) để lọt vào bốt trinh sát, rồi tìm cách thoát ra trở về đơn vị báo cáo tình hình.

Trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, trên đường hành quân từ Thất Khê về Khâu Lương gặp tàn binh địch trốn trong rừng, Dương Quảng Châu đã cùng đồng đội tổ chức bao vây, vừa nổ súng uy hiếp, vừa gọi hàng, bắt được 4 tù binh.

Năm 1953, đơn vị giao nhiệm vụ điều tra bốt Thái Đào, Bắc Giang, Dương Quảng Châu chỉ đạo một mũi trinh sát, luồn lách vượt qua hai con đường thường xuyên có lính tuần tra, một con sông Máng và 11 hàng rào, vào sát tận nơi điều tra nắm bắt tình hình.

Cuối năm 1953, trên đường truy kích địch ở Mường Ngòi, đồng chí chỉ huy một tiểu đội vượt sông truy đuổi quân địch. Tổng cộng trong ngày hôm đó,  đồng chí Dương Quảng Châu đã 9 lần dẫn đầu tiểu đội đánh tan một tiểu đoàn địch. Khi hết đạn, đồng chí đã lấy súng của địch và tiếp tục truy lùng những tên còn lại đang lẩn trốn.

Một lần khác ở Nậm Bạc, tiểu đội đồng chí truy kích địch từ sáng đến gần tối, vừa dừng lại ăn cơm thì 4 tên địch đột ngột xuất hiện. Tên đi đầu giương súng định bắn, Dương Quảng Châu nhanh như cắt gạt được khẩu súng của địch và dùng dao găm loại khỏi vòng chiến đấu tên đi đầu. Ba tên địch còn lại hốt hoảng xin hàng.

Hôm sau, khi tổ của Dương Quảng Châu đang chuẩn bị đánh Nậm Ngà, một đại đội địch ập đến. Đồng chí chỉ huy đồng đội nấp vào các gốc cây bắn trả quyết liệt và tiêu diệt được phần lớn lực lượng của địch. Sau đó, đơn vị ở phía sau lên tiếp ứng cùng tổ của đồng chí tiến công bao vây địch. Lợi dụng lúc địch bị đánh bất ngờ, đồng chí bắt 1 tù binh, rồi gọi hàng được 46 tù binh khác, thu 43 khẩu súng, cùng đơn vị loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội của địch.

Trong thời gian chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị đi làm nhiệm vụ vắng, đồng chí cùng một đồng chí khác bị sốt rét nằm nhà. Vừa dứt cơn sốt,  Dương Quảng Châu dậy lau súng thì thấy một toán địch đi từ hướng Lai Châu về. Đoán là tàn binh địch mới bị quân ta đánh tan tác hôm trước, đồng chí liền mưu trí hô to để nghi binh rồi xông ra chặn bắt được 22 tên địch, thu 8 súng. Hôm sau, đồng chí còn chỉ huy một tổ lùng bắt thêm 10 tên địch.

   * Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu      

Trong đợt tấn công thứ 2, quân đội ta vừa đào giao thông hào vừa bắn vào vị trí 206 (cách sân bay Mường Thanh 100m về phía Tây). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong Đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm 206, do Đại đội Âu-Phi số 4 được trang bị hỏa lực mạnh đóng giữ. Để đánh chiếm cứ điểm 206, Trung đoàn 36 xác định xây dựng trận địa theo chiến thuật vây lấn và tổ chức đào các chiến hào. Khi chiến hào đào được khoảng 300 mét thì địch phát hiện và bắt đầu đối phó với quân ta. Chúng dùng pháo binh, súng cối bắn chặn đường hào của bộ đội ta. Khi quân ta đã vượt qua tầm pháo cối của địch, chúng lại dùng súng đại liên bắn đan đi đan lại trên đầu đường hào, ngăn cản bước tiến của ta. Bất chấp sự ngăn cản của địch, bộ đội ta vẫn ngày đêm đào hào tiến sát cứ điểm 206.

Sáng ngày 19/4/1954, trận địa chiến hào của Trung đoàn 36 hình thành theo ba mũi đều đã áp sát hàng rào cứ điểm 206. Nếu để mất cứ điểm 206 tức là sẽ mất chốt gác cửa quan trọng trấn giữ sân bay Mường Thanh, nên quân địch cố giữ cứ điểm 206 bằng mọi giá. Tướng De Castries (Đờ Cát) ra lệnh cho chỉ huy Đại đội Âu-Phi số 4 đóng trong cứ điểm 206 phái một trung đội ra lấp chiến hào của ta. Đồng thời, De Castries cũng ra lệnh cho hai xe tăng và hai trung đội bộ binh vượt qua sân bay Mường Thanh tiến ra phối hợp, dưới sự yểm hộ của pháo địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Sau nửa giờ chiến đấu quyết liệt với bộ đội ta, chúng đã chiếm được khoảng 50 mét chiến hào. Những tên lính lê dương hùng hục dùng xẻng, cuốc, thuốc nổ lấp chiến hào của quân ta. Lúc này, tiểu đội quân báo của Dương Quảng Châu và một trung đội bảo vệ trận địa thuộc Đại đội 395 đã anh dũng bám chặt những đoạn hào phía sau, đánh trả địch quyết liệt. Một quả pháo nổ gần làm Dương Quảng Châu bị gãy chân, không di chuyển được, nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh nằm tại chỗ giao nhiệm vụ cho tổ và động viên đồng đội chiến đấu, giữ vững trận địa. Chiều ngày 19/4/1954, bọn lính lê dương trong cứ điểm 206 ngao ngán tuyệt vọng nhìn những đường hào của ta bao vây xung quanh, cắt đứt mọi liên lạc của chúng với bên ngoài.

Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của Pháp. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đêm ngày 22/4/1954, Trung đoàn 36 được lệnh tiến công cứ điểm 206. Ngay từ loạt pháo đầu tiên, quân ta đã đánh trúng hầm chỉ huy và hầm thông tin, cắt đứt liên lạc của địch với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho bộ binh ta từ 3 hướng tiến công vào trung tâm cứ điểm 206. Đến 2 giờ 10 phút ngày 23/4/1954, quân ta tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch, làm chủ hoàn toàn cứ điểm 206. Thắng lợi của trận đánh này đã tạo điều kiện cho các lực lượng của ta thắt chặt vòng vây, tạo thế cho chiến dịch phát triển chuyển sang Đợt 3, tổng công kích, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi chiến dịch.

Trong khi nằm điều trị, Dương Quảng Châu đã gương mẫu tham gia lao động, góp phần xây dựng bệnh xá và giúp đỡ nhân dân, xung phong vận động 60 đồng chí thương binh còn khoẻ cùng với 50 đồng bào đắp đoạn đê bị ngập, cứu lụt được 480 mẫu lúa.

Với những chiến công và thành tích xuất sắc trong chiến đấu, đồng chí Dương Quảng Châu được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng Nhì, danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Đại đoàn và được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.

Ngày 7/5/1956, đồng chí Dương Quảng Châu được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Ba.

Hiện nay, tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ ở thành phố Điện Biên Phủ, chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Quảng Châu được treo trang trọng cùng với các chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, như nhắc nhở thế hệ mai sau về những cống hiến, hy sinh của những con người “dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.

Đặc biệt, tháng 4/2024, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Quảng Châu được thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đặt tên cho một trong 24 tuyến đường mang tên các Anh hùng được phong tặng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

  Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn: Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 149.