Hà Nội (TTXVN 05/03/2022) Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, phát huy được vai trò nòng cốt chính trị trong phong trào phụ nữ, thực hiện tốt nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tích của phong trào phụ nữ và của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là rất vẻ vang, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc.
Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

* Tôi luyện và trưởng thành qua các cuộc kháng chiến

Nói đến người phụ nữ Việt Nam là nói đến tinh thần dũng cảm, lòng vị tha, đức hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, tận tuỵ, thủy chung và tài năng sáng tạo. Từ buổi đầu dựng nước, những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã tỏa sáng trong tinh thần đấu tranh quật cường, khẳng định ý chí độc lập dân tộc của Bà Trưng, Bà Triệu. Những tấm gương Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan, Nữ tướng Bùi Thị Xuân... đã khẳng định vai trò phụ nữ trong tham gia lãnh đạo đất nước và chống giặc ngoại xâm.

Từ ngày có Đảng (năm 1930), những hoạt động và đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, tháng 10/1930 đã chỉ rõ “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được”.

Sau đó, các phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ và sâu rộng với nhiều hình thức hoạt động phong phú. Những tên gọi của Hội phụ nữ qua các thời kỳ gắn liền với trọng tâm từng giai đoạn cách mạng, như: tổ chức Phụ nữ Giải phóng (thời kỳ 1930-1936), Hội phụ nữ Dân chủ (thời kỳ 1936-1939), Hội Phụ nữ Phản đế (1939-1941), Đoàn phụ nữ Cứu quốc (1941-1945). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức Hội phụ nữ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu của giai đoạn này là tấm gương hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (giai đoạn 1930-1940). 

Ngày 3/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thành lập trên cơ sở tập hợp các tổ chức phụ nữ, trong đó Đoàn Phụ nữ cứu quốc là nòng cốt.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, đông đảo phụ nữ được giải phóng đã tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự và quốc phòng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện nhiều phong trào, như: phụ nữ học cày bừa; phụ nữ tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”; mua công phiếu kháng chiến; “diệt giặc dốt”; “diệt giặc đói”: “Đời sống mới”; tham gia Hội mẹ chiến sĩ… Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, các chị em, đặc biệt là phụ nữ các dân tộc Tày, Thái, Mèo, Dao, Nùng, Hoa,  Xá… ngày đêm vượt suối, băng rừng, vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược, tải thương, làm hầm, chữa cầu đường…

Tên tuổi “Đội nữ du kích Hoàng Ngân”, anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Bùi Thị Cúc, anh hùng Nguyễn Thị Chiên, “Nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi là những tấm gương làm rạng danh phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử oanh liệt này. Trân trọng những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam,  Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (tháng 3/1952).

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Việt Nam tạm thời bị chia cắt hai miền. Miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho miền Nam ruột thịt.

Tháng 3/1961, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thời gian này, Hội Phụ nữ ở cả hai miền đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, trong đó, “Năm tốt” và “Ba đảm đang” là những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại, trở thành các hoạt động nổi bật, tiêu biểu.

Với phong trào “Năm tốt”, hàng triệu hội viên phụ nữ giải phóng trên khắp miền Nam được tôi luyện trong phong trào đấu tranh với ba mũi giáp công linh hoạt, được tổ chức chặt chẽ ở ba vùng chiến lược (nông thôn, đô thị, miền núi). Họ luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện, hình thành nên một “Đội quân tóc dài” hùng hậu, nổi tiếng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thi đua với phụ nữ Nam Bộ, những tấm gương phụ nữ miền Bắc anh dũng của Đại đội pháo nữ dân quân Ngư Thuỷ (Quảng Bình) bắn cháy liên tiếp ba tàu chiến Mỹ hay của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Thanh Hóa) bắn rơi máy bay Mỹ… đã khẳng định trí tuệ, sáng tạo và tinh thần kiên cường, quật khởi của các tầng lớp phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “Phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền Nam và phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân.

* Tiếp tục phát huy vai trò trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước

Ngày 10/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ trong cả nước trong một tổ chức là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng thời quyết định lấy ngày 20/10/1930 là Ngày thành lập Hội.

Kế thừa thành quả to lớn của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày một lớn mạnh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ. Qua mỗi kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc là một cột mốc đánh dấu sự phát triển và vai trò quan trọng của tổ chức Hội, với đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp. Hội tham gia tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội, chăm lo tốt hơn lợi ích chính đáng của phụ nữ, tích cực hội nhập quốc tế và nỗ lực thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Theo đó, hàng loạt cuộc vận động, phong trào thi đua được phát động và triển khai rộng khắp, như: Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Giỏi việc nước đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng”, “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Từ các phong trào đã có gần 100 tập thể và cá nhân nữ Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới được tôn vinh, ghi nhận.

Các phong trào do Hội phát động đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam đóng góp lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 30,26%. Trong lĩnh vực kinh doanh, hiện có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Trong các lĩnh vực khác, như: y tế, khoa học-kỹ thuật, văn hoá, thể thao và du lịch… phụ nữ cũng có những đóng góp to lớn. Những thành quả của phụ nữ trong lao động sản xuất, kinh doanh, trên giảng đường, trong nghiên cứu khoa học, thể thao, văn hóa nghệ thuật... đã khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong đời sống xã hội, đã và đang làm rạng danh đất nước.

Sự trưởng thành của phong trào phụ nữ, những đóng góp xứng đáng của các cấp hội phụ nữ đạt được trong suốt thời gian qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Bên cạnh đó còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng làm nhiều việc tốt, việc thiện, góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam./.

 Minh Duyên