Quang cảnh phiên họp toàn thể của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, UAE ngày 13/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
UNFCCC là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển, thường được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Trái đất diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil) từ ngày 3 đến 14/6/1992. Mục tiêu của Hội nghị là ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu.
Công ước khung có hiệu lực từ ngày 21/3/1994, hiện có 198 bên tham gia, gồm: 197 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 77 và Trung Quốc về biến đổi khí hậu, chiều 2/12/2023 (giờ địa phương). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Việt Nam phê chuẩn Công ước từ ngày 16/11/1994. Cơ quan đầu mối thực thi Công ước là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kể từ khi tham gia UNFCCC, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu.
COP thường được tổ chức tại một Bên tham gia (thường là Bên giữ vị trí Chủ tịch COP) theo cơ chế luân phiên giữa 5 khu vực được Liên hợp quốc công nhận (châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe, Trung và Đông Âu, Tây Âu và khu vực khác). Trong trường hợp không có Bên tham gia đăng cai, phiên họp sẽ được tổ chức tại Bonn (Đức), địa điểm của Ban Thư ký UNFCCC.
Hội nghị lần đầu tiên các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức vào năm 1995 tại Berlin (Đức). Các kỳ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ Trái đất, bảo vệ chính mình.