Tháng 7.1954, Hiệp định Giơnevơ 1954 về Lào được kí kết, nhưng tình hình chiến sự ở đây vẫn tiếp diễn do âm mưu xâm lược và phá hoại hiệp định của Mĩ và lực lượng Phái hữu Viêng Chăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách Mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước (Neo Lào Hắcxạt), từ năm 1960 cuộc Kháng Chiến Chống Mĩ của nhân dân Lào chuyển sang giai đoạn mới, từ đấu tranh công khai hợp pháp sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Với sự ủng hộ, giúp đỡ và liên minh chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Cách Mạng Lào đã từng bước vượt qua khó khăn, giành nhiều thắng lợi cả về quân Sự, chính trị và ngoại giao, thu hút được đông đảo các lực lượng trung lập và yêu nước (bao gồm cả chính phủ trung lập của Thủ tướng Xuvanna Phuma), xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh mở rộng vùng giải phóng (tính đến tháng 4.1961, vùng giải phóng của Pathét Lào đã mở rộng tới 2/3 diện tích đất đai và 1/3 dân số cả nước, trong đó có những địa bàn chiến lược quan trọng như Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Sê Pôn...).
Trước tình hình lớn mạnh của Cách Mạng Lào và sự thất bại liên tiếp của lực lượng Phái hữu Viêng Chăn, chủ yếu là Quân đội Phumi Nôxavẳn được Mĩ ủng hộ và tăng cường viện trợ quân sự, ngày 16.5.1961, Mĩ và lực lượng Phái hữu buộc phải chấp nhận đàm phán với Mặt trận Lào yêu nước và lực lượng trung lập tại Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề ngừng bắn, vấn đề trung lập và các biện pháp bảo đảm nền trung lập của Lào. Tham dự Hội nghị gồm đại diện 14 chính phủ (Ấn Độ, Anh, Ba Lan, Campuchia, Canada, Lào, Mianma, Mĩ, Pháp, Thái Lan, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và chính quyền Sài Gòn), trong đó Lào có 3 đoàn đại biểu là Mặt trận Lào yêu nước do Phumi Vôngvichít làm trưởng đoàn; lực lượng trung lập do Kinim Phôxểna làm trưởng đoàn; lực lượng Phái hữu Viêng Chăn do Phủi Xananicon làm trưởng đoàn. Tiếp đó, ngày 17.5.1961, cuộc họp giữa 3 đoàn đại biểu của Lào được tổ chức tại bản Na Mon thuộc huyện Văng Viêng (tỉnh Viêng Chăn, Lào), tiếp tục bàn vấn đề hòa hợp dân tộc, giải quyết các trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn đã được thỏa thuận. Sau cuộc họp này, từ ngày 19 đến 22.6.1961, các hoàng thân Xuphanuvông, Xuvanna Phuma và Bunùmná Chămpaxắc thay mặt ba phái của Lào đi dự Hội nghị tại Zurich (Thụy Sĩ). Hội nghị đã tán thành đường lối hòa bình trung lập của Lào và thảo luận vấn đề thành lập Chính phủ liên hiệp Dân tộc ba phái, nhưng không đạt được thỏa thuận cụ thể.
Do chính sách tăng cường chiến tranh của Mĩ và lực lượng Phái hữu Viêng Chăn, hội nghị Giơnevơ 1961- 62 về Lào lâm vào tình trạng bế tắc. Trong thời gian này, lợi dụng vấn đề ngừng bắn đã được thỏa thuận, Mĩ tăng cường viện trợ quân sự gồm các loại xe tăng, thiết giáp, pháo binh, máy bay chiến đấu và nhiều loại vũ khí trang bị khác cho quân Đội Phuminô Xavẳn và Bunùmná Chămpaxắc gấp rút tiến hành kế hoạch bình định nông thôn, đánh phá cơ sở cách mạng. Đi đôi với viện trợ quân sự, Mĩ còn tích cực giúp đỡ xây dựng lực lượng đặc biệt Vàng Pao và huy động nhiều nước (Thái Lan, Philippin, Chính quyền Sài Gòn) đem quân sang phối hợp chiến đấu. Với lực lượng được tăng cường, từ cuối năm 1961 đầu 1962, Mĩ và Quân Đội Phái hữu Viêng Chăn tập trung lực lượng mở các cuộc tiến công vào vùng giải phóng của cách mạng Lào, đánh chiếm Nậm Thà với âm mưu xây dựng nơi đây thành căn cứ mạnh, làm bàn đạp chiếm lại vùng giải phóng Thượng Lào, uy hiếp vùng Tây Bắc Việt Nam, đồng thời gây áp lực phá Hội nghị hiệp thương ba phái. Tuy nhiên, mọi âm mưu của Mĩ và lực lượng Phái hữu Viêng Chăn đều bị thất bại nặng nề, nhất là ở Nậm Thà. Tại đây, đầu tháng 5.1962, Lực lượng Vũ trang Pathét Lào phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch tiến công giành thắng lợi lớn, giải phóng 8 nghìn km2 và 76 nghìn dân, buộc Mĩ và lực lượng Phái hữu Viêng Chăn phải thay đổi kế hoạch và trở lại đàm phán (xem: Chiến dịch Nậm Thà, 2-12.5.1962). Ngày 12.6.1962, Hiệp định Cánh Đồng Chum được kí kết, Chính phủ liên hiệp Dân tộc ba phái được thành lập do Hoàng thân Xuvanna Phuma làm Thủ tướng, Hoàng thân Xuphanuvông làm Phó Thủ tướng, đồng thời lệnh ngừng bắn chính thức trên toàn quốc cũng được xác định từ ngày 24.6.1962. Trên cơ sở đó, ngày 23.7.1962, Hội Nghị Giơnevơ 1961-62 về Lào được triệu tập lại, các nước tham gia thống nhất kí kết Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào.
Hiệp định gồm bản tuyên bố về nền trung lập của Lào (văn kiện chủ yếu của Hội nghị) và các nghị định thư kèm theo, với nội dung chính là khẳng định những điều khoản cơ bản của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Lào, thừa nhận việc thành lập Chính phủ liên hiệp Dân tộc ba phái (12.6.1962) và tuyên bố trung lập của Chính phủ Vương quốc Lào. Theo nội dung của bản tuyên bố, các nước cam kết thừa nhận tôn trọng chủ quyền độc lập, trung lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Lào; cam kết tuân thủ các nguyên tắc và điều kiện liên quan đến nền độc lập và trung lập của Lào; không trực tiếp hoặc gián tiếp tiến hành hoạt động cũng như không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp khác làm phương hại đến hòa bình, độc lập của Lào; không đặt ra những điều kiện có tính chất chính trị kèm theo viện trợ và không thừa nhận sự bảo hộ của bất cứ liên minh Quân sự nào đối với Lào. Nội dung các nghị định thư xác định những quy định cụ thể nhằm bảo đảm nền trung lập của Lào, bao gồm việc rút Quân đội và nhân viên Quân sự nước ngoài trong vòng 30 ngày sau khi các đội kiểm tra của Ủy ban Quốc tế được thiết lập; vấn đề trao trả tù binh và các quy định về tổ chức, chức năng, quyền hạn của Ủy ban Quốc tế...
Hội Nghị Giơnevơ 1961-62 về Lào cùng với bản Hiệp định được kí kết tại hội nghị là thắng lợi quan trọng về quân sự, chính trị và ngoại giao tạo cơ sở cho sự ổn định và phát triển của đất nước Lào, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của Cách Mạng Lào; là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử làm thất bại một bước chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở Lào. Tuy nhiên, do Mĩ và lực lượng Phái hữu Viêng Chăn luôn tìm cách phá hoại bằng nhiều âm mưu và thủ đoạn thâm độc (như viện trợ quân sự, mua chuộc, lôi kéo phá hoại chính phủ liên hiệp, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng, tung biệt kích phá hoại, sử dụng máy bay ném bom đánh phá năm 1964, tiến công vùng giải phóng năm 1969), nên Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào đã không được thực hiện trên thực tế.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)