Hội nghị Pari kết thúc, hệ thống Hoà ước Vecxây được kí kết nhưng chỉ phần nào điều chỉnh được mâu thuẫn, xung đột giữa các nước đế quốc ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông, còn tại khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương việc phân chia ảnh hưởng và xác lập trật tự mới giữa các nước đế quốc vẫn chưa được định đoạt. Trước Chiến tranh thế giới lần 1, đây là hai khu vực chịu sự chi phối của Anh, Nga, Nhật, Pháp và Mĩ. Sau chiến tranh, nước Nga Xô viết rút ra khỏi khu vực cạnh tranh này, nước Đức bại trận bị các nước chiến thắng không cho phép có quyền lợi ở bất kì khu vực nào ngoài lãnh thổ của họ. Trong chiến tranh, Pháp bị tổn thất nặng nề và đang lo hàn gắn vết thương và củng cố quyền lợi giành được tại châu Âu. Như vậy, trên vũ đài chính trị Viễn Đông và Thái Bình Dương thực tế chỉ còn sự tranh đoạt của ba nước Mĩ, Anh và Nhật. Để giải quyết mâu thuẫn và xác định ngôi vị của mình ở khu vực này, các nước đã thống nhất triệu tập hội nghị tại Oasinhtơn theo đề nghị của Mĩ.
Hội Nghị Oasinhtơn diễn ra từ 12.11.1921 đến 6.2.1922, có 9 nước tham dự: Mĩ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Italia, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha và đại biểu các xứ tự trị thuộc Anh, đại biểu Ấn Độ. Tại Hội nghị, nhiều vấn đề quan trọng được giải quyết tay ba giữa Mĩ, Anh và Nhật. Hội nghị soạn thảo và kí kết một số văn kiện quan trọng sau:
Thứ nhất: Hiệp ước 4 nước (Mĩ, Anh, Pháp, Nhật Bản) về quyền thuộc địa và lãnh địa đối với các hòn đảo trên biển Thái Bình Dương, kí ngày 13.12.1921, có hiệu lực trong vòng 10 năm. Hiệp ước quy định: các nước tham gia kí kết cùng nhau tôn trọng quyền lợi tại các đảo thuộc địa và các đảo lãnh địa của họ ở khu vực Thái Bình Dương. Nếu quyền lợi nói trên bị bất cứ nước nào xâm phạm và từ đó tạo nên sự uy hiếp thì các nước kí kết phải cùng nhau hiệp thương giải quyết. Hiệp ước còn quy định, sau khi được chính phủ các nước kí kết phê chuẩn và có hiệu lực, Hiệp ước liên minh Anh - Nhật kí ngày 13.7.1911 tại Luân Đôn sẽ không còn hiệu lực.
Thứ hai: Hiệp ước 5 nước (Mĩ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Italia) về hạn chế quân bị hải quân kí ngày 6.2.1922, quy định: Tổng mức tải trọng của các loại tàu chiến 5 nước trong điều kiện thay đổi vẫn phải giữ nguyên số tấn hạn định. Cụ thể, đối với thiết giáp hạm: Anh và Mĩ mỗi nước được sở hữu không quá 525 nghìn tấn; Nhật là 315 nghìn tấn. Hai nước còn lại là Italia và Pháp mỗi nước được 175 nghìn tấn. Đối với tàu sân bay: Mĩ và Anh mỗi nước được 135 nghìn tấn; Nhật 81 nghìn tấn; Pháp và Italia mỗi nước 60 nghìn tấn. Hiệp ước cũng quy định lượng choán nước tối đa đối với các loại tàu chiến và cỡ pháo trên tàu: Đối với thiết giáp hạm, lượng choán nước của mỗi tàu không quá 35 nghìn tấn và cỡ pháo trên tàu là 406 mm; tàu sân bay là 10 nghìn tấn và cỡ pháo trên tàu là 203 rnm. Ngoài ra, Hiệp ước còn cấm Mĩ không được xây dựng các căn cứ hải quân mới hoặc cơ sở quân sự quan trọng tại các quần đảo như Aliut, Xamoa, Guam và Philippin; Anh không được xây dựng cơ sở bố phòng tại Hồng Kông và trên các đảo nam trên kinh tuyến 110 độ, ngoại trừ những vùng phụ cận bờ biển Canađa, Ôxtrâylia, Niu Dilân; Nhật không được xây dựng các căn cứ Quân sự trên đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, Lưu Cầu, Curin, Tiểu Lạp Nguyên, đảo lớn thuộc quần đảo Amami. Các căn cứ hải quân của Mĩ và Anh phải cách xa Nhật ít nhất 5 nghìn km. Hiệp ước về hạn chế quân bị hải quân giữa 5 nước còn đưa ra các điều khoản nhằm bảo vệ các tàu trung lập khỏi các cuộc tiến công của tàu ngầm; lên án việc sử dụng vũ khí hoá học trong chiến tranh...
Thứ ba: Hiệp ước 9 nước (Anh, Mĩ, Pháp, Italia, Nhật, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha và Trung Quốc) về mở cửa Trung Quốc, thiết lập quyền bình đẳng và cơ hội trong hoạt động kinh doanh, buôn bán ở Trung Quốc kí ngày 6.2.1922. Nội dung cơ bản của Hiệp ước tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc; xác lập nguyên tắc “mở cửa”, “cơ hội bình đẳng” giữa các nước tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn yêu cầu Nhật phải rút một phần quân đội khỏi nước này, trao trả tuyến đường sắt Tế Nam - Thanh Đảo và tỉnh Thanh Đảo cho Trung Quốc.
Hội Nghị Oasinhtơn thực chất là sự kế tục của Hội nghị Pari nhằm điều chỉnh quyền lợi và mối quan hệ của các nước đế quốc tại khu vực Viễn Đông và Thái Bình Dương, xây dựng trật tự mới tại khu vực này, được gọi là hệ thống Oasinhtơn. Việc xác lập hệ thống Oasinhtơn đánh dấu việc các nước đế quốc đã hoàn thành việc sắp xếp lại trật tự thế giới. Các nghị quyết của Hội Nghị Oasinhtơn không xoá bỏ sự đe dọa xâm lược của Nhật ở Viễn Đông. Liên Xô không công nhận các nghị quyết của hội nghị và phản kháng tới các chính phủ tham gia Hội nghị. 

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)