Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng.

Từ ngày 6/1 đến đầu tháng 2/1930, Hội nghị họp tại Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng.

Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đó là nền tảng quan trọng xây dựng nên đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta.

Hội nghị quyết định chủ chương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội Phản đế. Theo đó, Công hội và Nông hội thu hút những công nhân và nông dân không thể kết nạp vào Đảng. Các tầng lớp trí thức tiểu tư sản vào Hội Phản đế.

Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một đảng cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam (Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết nghị "từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng).

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam; là kết quả tất yếu của sự kết hợp lý luận giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời có ý nghĩa như một Đại hội cũng tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc), do đồng chí Trần Phú chủ trì, quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua bản Luận cương chính trị của Ðảng Cộng sản Ðông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 7 đồng chí: Trần Phú, Nguyễn Trọng Nhã, Lê Mao, Trần Văn Lan, Nguyễn Phong Sắc, A Lầu (Lưu Lập Đạo), Ngô Đức Trì. Đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trực tiếp là đối với cao trào cách mạng 1930-1931.