Sáng 9/9/2023, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 9 và 10/9/2023, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 18 đã diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ.
Tại hội nghị, các nhà Lãnh đạo G20 nhất trí cam kết:
- Về quản trị toàn cầu, khẳng định vai trò của chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương trong giải quyết các thách thức hiện nay; thúc đẩy cải tổ nền quản trị toàn cầu và các thể chế tài chính quốc tế theo hướng minh bạch, cân bằng hiệu quả, mang tính đại diện và có tính giải trình cao hơn.
- Bảo đảm ổn định kinh tế toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng, bao trùm, nỗ lực hiện thực hóa các SDGs thông qua tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô, điều chỉnh linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách lao động giữa các nước thành viên; thúc đẩy việc làm bền vững, chất lượng và an toàn; thu hẹp khoảng cách giới, thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong nền kinh tế; giảm bất bình đẳng, thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, việc làm, hạ tầng kỹ thuật số,...
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
- Về tài chính, ngân hàng, tái cam kết về tỉ giá hối đoái vào tháng 4/2021 do Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đưa ra; ủng hộ tiếp tục thực hiện sáng kiến Khuôn khổ chung (CF) năm 2020 của IMF, WB và Mỹ giúp các nước nghèo và các nước thu nhập trung bình trì hoãn trả nợ, giải quyết các gánh nợ công,...
- Về thương mại, tái khẳng định ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, không phân biệt đối xử, công bằng, cởi mở, toàn diện, bình đẳng, bền vững và minh bạch, với WTO là trung tâm; đồng thời, thúc đẩy thương mại và đầu tư là động lực cho tăng trưởng, ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, công bằng, tạo môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi, phù hợp với WTO và các hiệp định môi trường đa phương.
- Về năng lượng và khí hậu: Đẩy nhanh các hành động giải quyết khủng hoảng và thách thức khí hậu, môi trường; Tăng đầu tư toàn cầu cho tài chính khí hậu, khôi phục ít nhất 30% tổng số hệ sinh thái bị suy thoái năm 2030, chấm dứt ô nhiễm nhựa, giảm thiểu rủi ro thiên tai…; Kêu gọi các bên đặt ra Mục tiêu định lượng tập thể mới năm 2024, thúc đẩy mục tiêu Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC) cuối năm 2023; Đẩy nhanh nỗ lực giảm dần nguồn năng lượng than và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, giá cả phải chăng và toàn diện, tính tới hoàn cảnh quốc gia khác nhau; Hỗ trợ các nước thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ tự nguyện, tiếp cận nguồn chi phí thấp cho chuyển đổi năng lượng.
Tại Hội nghị, Anh công bố cam kết kỷ lục 2 tỉ USD cho Quỹ chống biến đổi khí hậu xanh, Australia công bố kế hoạch trở thành cường quốc năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Hội nghị kết nạp Liên minh châu Phi (AU) là thành viên chính thức kể từ năm 2024.