Từ ngày 18-19/11/2024, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MAM) ở Rio de Janeiro (Brazil), để xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề toàn cầu như chống đói nghèo, cải cách quản trị toàn cầu, đánh thuế giới siêu giàu, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

[Trong ảnh: Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 18/11/2024. Ảnh: ANI/TTXVN]

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 của nhóm. Ngoài các thành viên chính thức G20, Hội nghị thượng đỉnh năm nay có sự tham dự của Nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 19 nước khách mời và lãnh đạo 15 tổ chức quốc tế chủ chốt. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đặc biệt đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên Liên minh châu Phi (AU) tham gia với tư cách là thành viên chính thức của G20. Đây cũng là sự kiện quan trọng nhất, khép lại năm Chủ tịch G20 rất bận rộn và cũng rất hiệu quả của nước chủ nhà Brazil với hơn 100 cuộc họp của 16 nhóm công tác và gần 20 Hội nghị Bộ trưởng.

Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh G20 tập trung thảo luận ba vấn đề chính: cuộc chiến chống đói nghèo, bất bình đẳng; ba khía cạnh của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường) và cải cách quản trị toàn cầu. Đây đều là các vấn đề thuộc quan tâm chung của tất cả các nước.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng thúc đẩy các nỗ lực nhằm tái thiết và củng cố hệ thống đa phương, bắt nguồn từ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, với các thể chế đổi mới và một nền quản trị được cải cách mang tính đại diện hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn, phản ánh thực tế xã hội, kinh tế và chính trị của thế kỷ XXI.

Nhóm G20 được thành lập tháng 12/1999 tại Berlin (Đức), khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới nhận thấy sự cần thiết của việc phối hợp giữa các nền công nghiệp chủ chốt và các thị trường mới nổi trong hoạch định chính sách tài chính và kinh tế toàn cầu.

Thành viên của G20 hiện bao gồm các nước G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada) và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU). Trong đó, Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên chính thức của G20 kể từ năm 2024.

Quy mô của G20 chiếm 67% dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 75% thương mại quốc tế.