Trong các ngày 3-4/7/2024, thủ đô Astana của Kazakhstan trải thảm đỏ đón lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các nước quan sát và các đối tác đối thoại tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO Plus, được đánh giá là quan trọng, có ý nghĩa sâu rộng đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu.

[Ảnh: The Times of Central Asia]

Chương trình nghị sự chính của Hội nghị thượng đỉnh tại Astana lần này là “Tăng cường đối thoại đa phương: Theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững”, qua đó tăng cường vai trò của SCO trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay. Trong đó, các nhà lãnh đạo SCO tập trung chủ yếu vào thương mại quốc tế và kinh tế để đảm bảo sự ổn định, an ninh khu vực, cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường, y tế, du lịch, giáo dục, số hóa.

Hơn 20 văn kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm Tuyên bố Astana, phản ánh quan điểm của SCO về các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay cũng như các nghiên cứu triển vọng, “Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035”, “Chiến lược phát triển hợp tác năng lượng SCO đến năm 2030”, “Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan giai đoạn 2025-2027” và “Chiến lược phòng chống ma túy của SCO giai đoạn 2024-2029”, được xem xét tại hội nghị.

SCO được thành lập vào ngày 15/6/2001 tại Thượng Hải, Trung Quốc, ban đầu có 5 thành viên gồm Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Nền tảng để đoàn kết các quốc gia trong SCO là lĩnh vực an ninh, quan hệ thương mại và kinh tế. Mục tiêu chung của SCO là đảm bảo môi trường quốc tế thuận lợi dựa trên các nguyên tắc của “Tinh thần Thượng Hải”, nội dung chính là tin tưởng và cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa và văn minh, và mong muốn cùng phát triển.