Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị Trung-Nhật-Hàn vốn là hội nghị được tổ chức thường niên, trên cơ sở luân phiên giữa 3 nước và bắt đầu họp lần đầu tiên từ năm 1999. Khi đó lãnh đạo ba nước  Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản).

Sau đó, vào năm 2004, bên lề hội nghị ASEAN+3, lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn đã quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao thường niên, theo cơ chế luân phiên. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2008, hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn đã được lãnh đạo ba nước tổ chức thường niên.

Đây là một trong những cơ chế ngoại giao cấp cao quan trọng hàng đầu của khu vực, tạo ra những tác động to lớn đối với các chuyển động an ninh và thương mại của khu vực Đông Bắc Á. Mục tiêu của tiến trình ngoại giao cấp cao này là tăng cường hiểu biết, duy trì hợp tác thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực...

Tuy nhiên, do những bất đồng, quan hệ liên tục xấu đi giữa Nhật Bản và hai nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc vì các vấn đề lịch sử, chính trị và lãnh thổ, nên việc tổ chức hội nghị ba bên liên tục bị gián đoạn.

Hội nghị cấp cao ba bên đã bị gián đoạn trong các năm 2013 và 2014. Năm 2015, hội nghị được nối lại tại Seoul, Hàn Quốc, song lại tiếp tục bị gián đoạn trong năm 2016 và 2017 do căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các biến động chính trị tại Hàn Quốc. Năm 2018 và 2019, Hội nghị được tổ chức trở lại tại Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh năm 2019, hợp tác ba bên lại bị gián đoạn do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và quan hệ giữa Seoul và Tokyo xấu đi do mâu thuẫn về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.

Đến tháng 5/2024, Hội nghị ba bên mới được tổ chức lại tại Seoul, Hàn Quốc, với mục đích đưa hợp tác ba bên trở lại đúng hướng.