Trong diễn văn đọc trước cuộc mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô của nhân dân Hà Nội (ngày 1/1/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được. Chúng ta phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa miền Nam và miền Bắc.

Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ từ Bắc đến Nam; phải ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh giành tự do dân chủ, theo đúng Hiệp định Giơnevơ”.[1]

Người tuyên bố: “Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào, nếu họ tán thành hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ”.[2]

Ngày 4/2/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Nam-Bắc như Hiệp định Giơnevơ quy định, nhằm tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cho nhân dân ở miền Bắc và miền Nam được liên lạc với nhau, được tự do đi lại giữa hai miền.

Chính phủ đề ra Tám chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp ở những nơi đã cải cách ruộng đất.

Ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 229-SL, ban hành Chính sách dân tộc.

Cùng ngày 29/4, Chính phủ ra Sắc lệnh số 230-SL ban hành bản Quy định thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, gồm 3 tỉnh: Sơn La, Lai Châu và Nghĩa Lộ.

Tháng 5/1955, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết bổ sung chính sách cải cách ruộng đất đối với vùng mới giải phóng, đối với những xã có người làm nghề thủ công và buôn bán nhỏ, những xã có nghề làm muối.

Ngày 13/5/1955, thành phố Hải Phòng được giải phóng. Ngày 16/5/1955, quân viễn chinh Pháp rút khỏi đảo Cát Bà. Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Ngày 6/6/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với những nhà đương cục ở miền Nam bắt đầu từ ngày 20/7/1955 để bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do nhằm hoàn thành thống nhất đất nước vào tháng 7/1956 như quy định của Hiệp định Giơnevơ.

Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 234-SL ban hành Chính sách tôn giáo nhằm bảo đảm sự tự do tín ngưỡng. Tiếp đó tháng 8/1955, Phủ Thủ tướng ra Nghị định số 566-TTg về việc thành lập các Ban tôn giáo ở Trung ương, khu, tỉnh.

Ngày 19/7/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho chính quyền miền Nam đề nghị cử đại biểu tham dự hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20/7/1955 để bàn vấn đề thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc theo đúng như Hiệp định Giơnevơ quy định.

Từ 15 đến 20/9/1955, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu Cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua quyết định mở rộng và bổ sung Chính phủ:

- Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng được cử làm Thủ tướng Chính phủ.

- Cử hai Phó Thủ tướng là: Ông Phan Kế Toại kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Võ Nguyên Giáp kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Chia Bộ Công thương thành hai Bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp; Bộ Giao thông Công chính chia thành hai Bộ: Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Thủy lợi và Kiến trúc. Đặt thêm Bộ Cứu tế. Bộ Tuyên truyền đổi tên thành Bộ Văn hóa, và cử Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.

Ngày 19/12/1955, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm nhằm khôi phục nền nông nghiệp trong năm 1956, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ khôi phục kinh tế.

[1] [2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr.429.