Trong nửa đầu thế kỉ 6, đất Giao Châu được Nhà Lương chia thành 7 quận: Giao Châu, Ái Châu, Hưng Châu, Hoàng Châu, Đức Châu, Lợi Châu và Minh Châu. Nhà Lương áp đặt chính sách thống trị và bóc lột khắc nghiệt, cùng với bộ máy chính quyền đô hộ nặng nề dựa trên chế độ “sĩ tộc”, đứng đầu là quan thứ sử. Nội dung của chế độ “sĩ tộc” quy định những dòng họ phong kiến lớn thuộc loại “danh gia vọng tộc” có ưu thế tuyệt đối về kinh tế, nắm giữ quyền lực chính trị và được pháp luật bảo hộ. Điều đó dẫn đến sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội ngày càng gay gắt giữa tầng lớp quý tộc cao cấp với những tầng lớp còn lại (kể cả bộ phận quý tộc địa phương) được gọi là “hàn môn”, trong đó chỉ những người thuộc dòng dõi quý tộc phong kiến lớn hoặc có quan hệ họ hàng thân thích với các quan lại cao cấp của Nhà Lương mới được coi là “sĩ tộc” và được cất nhắc bổ dụng vào các chức vụ quan trọng, có nhiều bổng lộc. Với chế độ cai trị như trên của Nhà Lương, bên cạnh mâu thuẫn cơ bản giữa các tầng lớp nhân dân bị thống trị bóc lột với chính quyền đô hộ, còn tồn tại mâu thuẫn cũng ngày càng gay gắt giữa bộ phận quý tộc phong kiến địa phương với tầng lớp quan lại đô hộ thuộc dòng dõi quý tộc Nhà Lương. Đó là tiền đề quan trọng tất yếu làm bùng nổ các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa ngày một dâng cao của nhân dân Giao Châu chống lại chế độ thống trị và bộ máy quan lại đô hộ Nhà Lương, mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo.

Lý Bí (Lý Bôn) xuất thân trong một gia đình dòng dõi thủ lĩnh địa phương, có tài văn võ và có chí lớn. Sau thời gian ra làm quan cho chính quyền đô hộ với chức giám quân ở Cửu Đức (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), do bất mãn với chế độ “sĩ tộc” và chính sách bóc lột tàn bạo của chính quyền đô hộ Nhà Lương, Lý Bí sớm từ quan, về quê bí mật liên kết với hào kiệt các châu, chiêu mộ hiền tài, tập hợp nghĩa binh cùng nhau bàn mưu tính kế chuẩn bị khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào tháng 1.542 (tháng Chạp năm Đại Đồng thứ bảy), thu hút được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo nhân dân cùng hào kiệt và thủ lĩnh địa phương ở nhiều nơi như Tinh Thiều, Phạm Tu, hai cha con Triệu Túc và Triệu Quang Phục... Với lực lượng và thanh thế ngày càng lớn mạnh, sau gần 3 tháng liên tục tiến công hầu như không gặp phải sự kháng cự đáng kể của quan quân đô hộ ở các địa phương, nghĩa quân nhanh chóng tiến lên bao vây, đánh chiếm thành Long Biên (nay là Bắc Ninh), thủ phủ của chính quyền đô hộ Nhà Lương ở Giao Châu. Thứ sử Giao Châu bấy giờ là Tiêu Tư hoảng sợ không dám chống cự, vội sai người đem vàng bạc của cải đút lót cho Lý Bí rồi chạy trốn về Việt Châu (bắc Hợp Phố) và Quảng Châu (Trung Quốc).

Sau những hoảng loạn ban đầu, triều đình Nhà Lương lập tức tìm cách đối phó. Tháng 4.542 (tháng ba năm Đại Đồng thứ tám), Vua Lương sai Thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, Thứ sử La Châu là Ninh Cư, Thứ sử An Châu là Lý Tri, Thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán cùng phối hợp đem quân phản công. Nghĩa quân Lý Bí kịp thời tổ chức lực lượng đập tan cuộc phản công của quân Lương, rồi nhân đà thắng lợi mở rộng tiến công giải phóng các vùng Ái Châu, An Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) và bán đảo Hợp Phố ở phía bắc, Đức Châu (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) ở phía nam. Tháng 12.542, Vua Lương lại sai Thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh và Thứ sử Tôn Châu là Lư Tử Hùng tiếp tục mở cuộc phản công lần hai. Mặc dù lo ngại trước uy thế của nghĩa quân Lý Bí, đồng thời lấy lí do mùa xuân nhiều chướng khí để xin lui việc tiến công đến mùa thu, nhưng trước sự thúc ép của các tôn thất triều đình Nhà Lương, tháng 1.543 Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng cũng buộc phải động binh. Nắm chắc ý đồ và hướng tiến quân của địch, Lý Bí chủ động tập trung lực lượng, bố trí thế trận chặn đánh tiêu diệt phần lớn quân Lương ở Hợp Phố. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng cùng số ít tàn binh chạy thoát được về Quảng Châu, nhưng sau cũng bị Vua Lương xuống chiếu bắt xử tội chết.

Bị thất bại nặng nề qua hai lần phản công, Vua Lương buộc phải tạm gác ý đồ tiếp tục tiến đánh Giao Châu để tập trung đối phó với các thế lực chống đối thuộc phe cánh của Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng ở miền Hoa Nam (Trung Quốc). Đây là điều kiện thuận lợi cho Lý Bí có thêm thời gian để ổn định và củng cố quyền độc lập vừa giành được. Tuy nhiên, ngay sau khi đánh bại các đạo quân xâm lược ở phía bắc, nghĩa quân Lý Bí phải tiếp tục đối phó với quân Lâm Ấp (Chămpa) ở biên giới phía nam. Tháng 5.543, lợi dụng tình hình Giao Châu đang rối ren, Vua Lâm Ấp là Ruđravarman I đã cho quân vượt dãy Hoành Sơn (nay thuộc tỉnh Quảng Bình) đánh chiếm khu vực Đức Châu. Lý Bí cử tướng Phạm Tu kịp thời đem đại quân vào ngăn chặn và đập tan quân Lâm Ấp ở huyện Cửu Đức, buộc Vua Ruđravarman I phải chạy trốn. Sau khi đánh tan quân xâm lược và tạm thời ổn định tình hình biên giới cả ở phía nam và phía bắc, tháng 2.544 (tháng Giêng năm Giáp Tí), Lý Bí tuyên bố dựng nước, lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Lý Việt Đế (Lý Nam Đế), đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (nay thuộc thành phố Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, phế bỏ niên hiệu cũ của Nhà Lương và đặt niên hiệu mới là Thiên Đức, tổ chức triều đình riêng (sử sách gọi là Triều Tiền Lý) với hai ban văn võ, trong đó cử Triệu Túc làm Thái phó (giữ cương vị như Tể tướng), Trịnh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.

Với thắng lợi của Khởi nghĩa Lý Bí và sự ra đời của Nhà nước Vạn Xuân, lần đầu tiên sau hơn 500 năm liên tục đấu tranh giành độc lập dân tộc kể từ khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa (xem Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kháng chiến chống Đông Hán, 40-43), một quốc gia Việt Nam độc lập, tự chủ đã ra đời và đó là sự khởi đầu của một cơ cấu nhà nước dựa theo chế độ phong kiến trung ương tập quyền, tuy còn sơ sài và chủ yếu mô phỏng theo hình ảnh của nhà nước phong kiến Trung Hoa lúc bấy giờ. Mặc dù nền độc lập và sự tồn tại của Triều Tiền Lý không dài, bởi chỉ hơn 1 năm sau (năm 545) Nhà Lương lại tiếp tục đem quân xâm lược, dẫn tới cuộc kháng chiến của quân và dân Vạn Xuân do Triệu Quang Phục lãnh đạo (xem Kháng chiến chống Lương, 545- 550), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Lý Bí cùng với sự ra đời của Nhà nước Vạn Xuân đã góp phần khẳng định sự trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin vào năng lực quản lí và làm chủ đất nước của tầng lớp quý tộc bản địa, đánh dấu bước phát triển của phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam thời Bắc thuộc.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)