Từ giữa thế kỉ 8, sau thời kì phát triển phồn thịnh dưới đời Vua Huyền Tông (niên đại Khai Nguyên và Thiên Bảo, từ năm 712 đến 756), triều đình Nhà Đường bắt đầu lâm vào khủng hoảng. Các thế lực địa chủ, quan lại địa phương nhân đó nổi lên cát cứ, dùng mọi thủ đoạn chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, tranh giành quyền lực, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm (755-763) giữa triều đình trung ương Nhà Đường với thế lực phong kiến địa phương mạnh nhất ở miền bắc Trung Quốc lúc đó là An Lộc Sơn và Sử Tư Minh (xem thêm Loạn An - Sử, 755-763). Đồng thời với tình trạng cát cứ và chống đối của các thế lực phong kiến địa phương là các cuộc nổi dậy khởi nghĩa của nông dân diễn ra khắp nơi, khiến cho chế độ thống trị của Nhà Đường càng thêm suy yếu, nhất là ở các nước bị Nhà Đường đô hộ. Đối với Giao Châu, từ năm 679 Nhà Đường đổi tên thành An Nam đô hộ phủ - một trong những phủ lớn thuộc loại thượng phủ, có nhiều quyền hạn và được chia thành 12 châu với 59 huyện (bao gồm địa phận từ Bắc Bộ đến Đèo Ngang và một phần phía nam các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc); người đứng đầu là quan đô hộ hoặc kinh lược sứ trực thuộc chính quyền trung ương Nhà Đường ở chính quốc, nhưng từ năm 757 phụ thuộc vào tiết độ sứ Lĩnh Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Sau khi dập tắt các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa của nông dân, tiêu biểu như Khởi nghĩa Lý Tự Tiên - Đinh Kiến (687), Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722)..., chính quyền đô hộ Nhà Đường ở An Nam đô hộ phủ do Trương Bá Nghi làm Kinh lược sứ áp dụng mọi biện pháp nhằm khống chế và khuất phục sự chống đối của người Việt, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây đắp thành lũy, tăng cường binh lính phòng thủ các châu quận, nhất là đối với trị sở chính quyền đô hộ ở phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Tuy nhiên trong thời gian này, lợi dụng sự suy yếu và bất lực của chính quyền đô hộ Nhà Đường ở đây, một số nước láng giềng thường đem quân lên cướp phá dẫn đến tình trạng chiến tranh liên miên, cuộc sống của người dân càng thêm cực khổ. Năm 717, người Chà Và (còn gọi Trảo Oa hay Giava, Inđônêxia ngày nay) tràn lên tận phủ thành Tống Bình để cướp phá. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi lo sợ chống đỡ không nổi, phải cho người cầu cứu Đô úy châu Vũ Định (vùng Việt Bắc ngày nay) là Cao Chính Bình đem quân phối hợp mới dẹp yên được; sau đó Cao Chính Bình được cử làm đô hộ An Nam. Dưới chế độ cai trị của Cao Chính Bình, người dân An Nam phải chịu nhiều loại thuế hà khắc và bị bóc lột nặng nề, khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, làm bùng nổ các cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại chính quyền đô hộ ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của nhân dân châu Đường Lâm do Phùng Hưng lãnh đạo.

Phùng Hưng vốn là hào trưởng đất Bình Lâm (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) thuộc dòng họ hào phú, nhiều đời làm quan lang ở châu Đường Lâm, là dòng họ có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với nhân dân quanh vùng, được nhân dân quý mến, tin theo. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779), nhân cơ hội chính quyền đô hộ Nhà Đường suy yếu, bị nhân dân căm ghét và binh lính ở phủ thành Tống Bình cũng tỏ thái độ chống đối, Phùng Hưng cùng với em là Phùng Hải đã đứng ra chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân nổi dậy đánh đuổi quan quân đô hộ, giành quyền làm chủ ở châu Đường Lâm và nhanh chóng tiến lên giải phóng các địa phương quanh vùng thuộc Phong Châu; xây dựng thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng được nhân dân và nghĩa quân suy tôn là Đô Quân, Phùng Hải là Đô Bảo.

Sau thời gian chuẩn bị lực lượng, theo mưu kế và sự giúp sức của thủ lĩnh tù trưởng người Lạo là Đỗ Anh Hàn, lực lượng nghĩa quân do Phùng Hưng và Phùng Hải chỉ huy bất ngờ tiến xuống phủ thành Tống Bình, bao vây phong tỏa trị sở chính quyền đô hộ Nhà Đường. Cao Chính Bình nhiều lần đưa quân ra ngoài chống đỡ nhưng đều bị nghĩa quân đánh bại, quá lo sợ lâm bệnh chết. Phùng Hưng tập trung binh lực thừa thắng kéo vào đánh chiếm phủ thành Tống Bình, giành quyền làm chủ, tổ chức lại việc cai trị đất nước theo hướng xây dựng chính quyền tự chủ lâu dài. Sau 7 năm cầm quyền, Phùng Hưng mất (khoảng năm 779), dẫn đến tình trạng tranh chấp quyền lực trong chính quyền họ Phùng, trong đó đa số muốn đưa Phùng Hải lên thay, nhưng số khác do quan đầu mục là Bồ Phá Cần (có tài liệu ghi là Bồ Phá Lặc) đứng đầu muốn lập Phùng An (con Phùng Hưng) lên nối nghiệp và đem quân chống lại Phùng Hải. Việc tranh chấp quyền lực và chống đối lẫn nhau giữa hai bên khiến cho mâu thuẫn nội bộ chính quyền họ Phùng ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó, Phùng Hải do không muốn xung đột xảy ra, đã quyết định lên sống ở động Chu Nham. Phùng An lên ngôi, suy tôn cha là Bố Cái Đại Vương, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và củng cố chính quyền tự chủ do Phùng Hưng gây dựng. Tuy nhiên, nền độc lập tự chủ của đất nước mới giành được còn non trẻ, lại bị suy yếu bởi sự chia rẽ và mâu thuẫn nội bộ kéo dài, đặc biệt là sự ra đi của Phùng Hải làm cho việc xây dựng, củng cố và bảo vệ đất nước gặp nhiều khó khăn, lực lượng nghĩa quân bị suy giảm, không còn đủ sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Về phía chính quyền đô hộ Nhà Đường, mặc dù phải chấp nhận thất bại và rút chạy khỏi An Nam trước sức mạnh của cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo, nhưng Nhà Đường vẫn không từ bỏ âm mưu trở lại xâm lược. Tận dụng cơ hội mâu thuẫn nội bộ chính quyền họ Phùng giữa Phùng An với Phùng Hải sau khi Phùng Hưng mất, Vua Đường ra lệnh gấp rút động binh, phong Triệu Xương làm Tiết độ sứ đem quân sang chinh phục. Triệu Xương là viên tướng có nhiều mưu kế và kinh nghiệm, một mặt tổ chức một đạo quân lớn gọi là “Nhu viễn quân” để gây sức ép Quân sự, mặt khác cho sứ giả mang đồ lễ, của cải sang phủ thành Tống Bình để mua chuộc, dụ dỗ Phùng An. Sau thời gian chuẩn bị lực lượng và tiến hành các thủ đoạn làm lung lạc tinh thần đối phương, khoảng cuối năm 791 Triệu Xương bắt đầu xuất quân tiến đánh An Nam. Trước thế giặc mạnh hơn gấp nhiều lần, quân của Phùng An không chống đỡ nổi, sa sút tinh thần và bị tan vỡ nhanh chóng, Phùng An bị bắt. Triệu Xương chiếm được phủ thành Tống Bình, tiếp tục thực hiện các thủ đoạn mua chuộc và đàn áp nhân dân để ổn định tình hình, thiết lập trở lại chế độ thống trị của Nhà Đường đối với đất Giao Châu.

Cuộc khởi nghĩa chống chính quyền đô hộ Nhà Đường do Phùng Hưng lãnh đạo giành thắng lợi nhanh chóng với kết quả thiết lập và duy trì chính quyền tự chủ đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm giành độc lập của người Việt luôn trỗi dậy mạnh mẽ trong lịch sử đấu tranh chống lại ách thống trị và xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc thời kì Bắc thuộc. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến chống xâm lược do Phùng An lãnh đạo sau đó lại sớm thất bại, nguyên nhân chủ yếu là do những điều kiện chủ quan cũng như khách quan lúc bấy giờ còn chưa đầy đủ bảo đảm cho Phùng An có đủ bản lĩnh, ý chí chiến đấu và sức mạnh đoàn kết thống nhất để tổ chức kháng chiến thắng lợi, trong khi kẻ thù lại có ưu thế về sức mạnh Quân sự và thủ đoạn xảo quyệt. Thất bại của Phùng An để lại bài học sâu sắc về sự đoàn kết thống nhất lực lượng toàn dân tộc, ý chí chiến đấu và tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Đó cũng chính là những nhân tố cơ bản đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước từ xưa đến nay.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)